Để biến tham vọng chuyển đổi số thành hiện thực bền vững, các doanh nghiệp cần chia nhỏ hành trình tổng thể thành những sản phẩm kỹ thuật số hoặc các trường hợp sử dụng cụ thể, đi kèm với các sáng kiến hỗ trợ chuyển đổi. Các nhà lãnh đạo được khuyến nghị sắp xếp các sáng kiến này theo hướng ưu tiên những lĩnh vực có thể nhanh chóng tạo ra tác động đo lường được, nhằm sớm khai thác nguồn lực bổ sung cho tái đầu tư.
Theo lộ trình này, các trường hợp sử dụng ưu tiên phải tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến lợi nhuận vận hành, từ đó cải thiện dòng tiền. Khoản dòng tiền gia tăng sẽ tạo cơ hội tài trợ cho các khoản đầu tư tiếp theo như triển khai thêm các sáng kiến số, hiện đại hóa hệ thống cũ hoặc thu hút nhân tài công nghệ. Phương pháp này đánh dấu một sự thay đổi căn bản, thay thế cho cách tiếp cận cũ vốn yêu cầu chi phí đầu tư lớn ban đầu và nhiều năm mới đạt được hiệu quả tài chính.

Với khoản đầu tư ban đầu tương đối nhỏ, mô hình kinh doanh định hướng từ khách hàng (Customer-Back Business Model – CBM) cho phép các doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận dương chỉ trong vòng sáu tháng. Khoản đầu tư ban đầu chủ yếu bao gồm chi phí triển khai công nghệ điện toán đám mây để hỗ trợ các trường hợp sử dụng ưu tiên.

Những trường hợp này thường tập trung vào các quy trình ra quyết định có khả năng tạo đột phá, nơi việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc phân tích dữ liệu (analytics) có thể mang lại giá trị lớn. Ví dụ, các giải pháp tối ưu hóa cung – cầu giúp doanh nghiệp điều chỉnh tồn kho hợp lý và giảm thiểu mất doanh thu; các công cụ định giá thông minh cho phép thiết lập và điều chỉnh giá linh hoạt theo nhu cầu thị trường và xu hướng cạnh tranh; hoặc các hệ thống đo lường hiệu quả tiếp thị giúp nâng cao tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) cho các chiến dịch quảng bá. CBM không chỉ rút ngắn thời gian hoàn vốn mà còn tạo nền tảng bền vững để doanh nghiệp gia tăng hiệu quả vận hành trong dài hạn.
Để đạt được những kết quả mang tính đột phá, các doanh nghiệp cần sắp xếp các trường hợp sử dụng theo cách tự củng cố lẫn nhau. Ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo phải có cái nhìn rõ ràng về cách các trường hợp sử dụng này liên kết và vận hành trong cùng một hệ sinh thái số – một mạng lưới sản phẩm liên thông, nơi dữ liệu luân chuyển liên tục giữa các quy trình. Khi dòng dữ liệu được khai thác hiệu quả, hệ thống sẽ ngày càng hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của khách hàng, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.

Mặc dù không bắt buộc phải thực hiện việc nâng cấp các hệ thống dữ liệu cũ ngay từ đầu, nhưng cần lưu ý rằng tiến trình này có thể tạo ra tác động rất lớn cho quá trình chuyển đổi số. Các sản phẩm dữ liệu mới vẫn có thể kết nối và hoạt động cùng với hệ thống hiện tại. Khi các sản phẩm số ban đầu bắt đầu mang lại giá trị, doanh nghiệp có thể sử dụng khoản lợi nhuận thu được để đầu tư tiếp vào việc hiện đại hóa hệ thống, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây và triển khai công nghệ vận hành học máy (MLOps), miễn là chi phí đầu tư hợp lý so với lợi ích thu về. Những doanh nghiệp có mức độ số hóa cao thường sẽ sớm xây dựng quy trình quản lý dữ liệu bài bản và phát triển các sản phẩm dữ liệu, giúp đẩy nhanh quá trình triển khai các ứng dụng số mới trong tương lai.
Để quá trình chuyển đổi số thành công, bộ phận kinh doanh và IT cần hợp tác chặt chẽ với nhau. Một nhóm nhỏ từ tám đến mười người sẽ được thành lập, bao gồm các chuyên gia kinh doanh như chủ sản phẩm và nhà phân tích nghiệp vụ, cùng với các chuyên gia công nghệ như lập trình viên, kỹ sư dữ liệu và nhà khoa học dữ liệu. Các chuyên gia lĩnh vực (SME) sẽ hỗ trợ khi cần thiết. Thay vì áp dụng một công nghệ chung cho mọi trường hợp, nhóm sẽ điều chỉnh quy trình và xây dựng giải pháp phù hợp với từng vấn đề cụ thể của doanh nghiệp.
Việc phát triển nhanh và triển khai sớm rất quan trọng để duy trì động lực. Các nhóm phát triển cần quyền truy cập vào dữ liệu và hạ tầng đám mây để thử nghiệm và đưa sản phẩm ra thị trường. Mục tiêu là xây dựng được sản phẩm mẫu (MVP) với hiệu quả rõ rệt trong vòng ba đến năm tháng kể từ khi bắt đầu dự án. Cả hành trình đưa sản phẩm số vào vận hành ổn định nên hoàn thành trong khoảng tám đến mười tháng, để đội ngũ nhanh chóng chuyển sang phát triển những sản phẩm tiếp theo.

Để bắt đầu, doanh nghiệp cần xác định rõ phương hướng để đạt tới trạng thái mục tiêu mong muốn. Họ cần tập trung xử lý từng lĩnh vực riêng biệt hay triển khai nỗ lực số hóa trên nhiều lĩnh vực cùng lúc? Câu trả lời nên bắt đầu từ nơi đang tạo ra giá trị. Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp, việc cải thiện chuỗi cung ứng có thể là bước đi hợp lý đầu tiên để hướng tới mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, đồng thời mở ra cơ hội triển khai các sáng kiến số khác trong tương lai. Khi chuỗi cung ứng và vận hành trở nên linh hoạt hơn, doanh nghiệp sẽ có nhiều dư địa hơn để thử nghiệm những cách tiếp cận mới.
Để chuyển đổi số thực sự tạo ra tác động lớn, công nghệ tốt thôi là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nâng cao năng lực tổ chức và điều chỉnh mô hình vận hành nếu muốn khai thác trọn vẹn giá trị từ chuyển đổi số. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc phải đầu tư quy mô lớn ngay từ đầu. Bằng cách đặt ra một tầm nhìn tham vọng về đích đến, cùng với lộ trình ưu tiên triển khai các trường hợp sử dụng số hợp lý, doanh nghiệp có thể bắt đầu hành trình tự tài trợ: sử dụng dòng tiền sinh ra từ những sản phẩm số ban đầu để tiếp tục đầu tư vào đổi mới, thúc đẩy sự thay đổi quy mô lớn và từng bước xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.