Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành bộ tiêu chuẩn quan trọng trong việc đánh giá mức độ trách nhiệm và bền vững của một doanh nghiệp đối với hành tinh và con người. Trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội, ESG trở thành yếu tố then chốt để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng.
Cụ thể:
E – Môi trường: Bao gồm năng lượng và tài nguyên mà doanh nghiệp sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, lượng chất thải mà doanh nghiệp thải ra môi trường, và tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh đến hệ dinh thái. Các yếu tố môi trường nhận được nhiều sự quan tâm nhất bao gồm lượng khí thải carbon và tác động của doanh nghiệp tới quá trình biến đổi khí hậu. Mọi doanh nghiệp đều tiêu thụ năng lượng và tài nguyên; mọi doanh nghiệp đều tác động và chịu tác động từ môi trường.
Tiêu chí môi trường (E) thường được sử dụng để đánh giá bất kỳ rủi ro môi trường nào mà một công ty có thể phải đối mặt và cách công ty quản trị những rủi ro đó. Ví dụ, công ty có sở hữu đất bị ô nhiễm không? Công ty xử lý chất thải nguy hại như thế nào? Công ty quản lý khí thải độc hại như thế nào và công ty tuân thủ các quy định về môi trường như thế nào?

Mức độ xả thải ra môi trường là một trong những Tiêu chí Môi trường (E – Environmental) để đánh giá mức độ thực thi ESG của doanh nghiệp
S – Xã hội: Đề cập đến các mối quan hệ và danh tiếng mà doanh nghiệp tạo dựng với cộng đồng xung quanh nơi họ hoạt động. Yếu tố xã hội bao gồm quan hệ lao động, sự đa dạng và mức độ hoà nhập. Mọi doanh nghiệp đều vận hành trong một xã hội rộng lớn và đa dạng, doanh nghiệp phải tìm cách để phát triển hoà hợp với nó.
Tiêu chí xã hội tập trung đánh giá các mối quan hệ kinh doanh của công ty. Công ty có coi trọng sức khoẻ và sự an toàn của nhân viên không? Công ty có phân bổ một phần lợi nhuận cho cộng đồng địa phương không? Nhân viên công ty có tham gia công tác tình nguyện không? Lợi ích của các bên liên quan khác có nhận được dự quan tâm cần thiết không?

Chương trình Sữa Học Đường của Vinamilk là một trong những chiến lược ESG góp phần xây dựng mối quan hệ và hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp với cộng đồng.
G – Quản trị: Là một hệ thống nội bộ gồm các thực tiễn, tiêu chuẩn kiểm soát và quy trình mà doanh nghiệp áp dụng để quản lý, đưa ra quyết định hiệu quả, tuân thủ pháp luật và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Bất kỳ doanh nghiệp nào, với tư cách là một thực thể pháp lý, cũng cần có hệ thống quản trị phù hợp.
Khi đánh giá ESG của một doanh nghiệp, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tính chính xác và minh bạch trong phương pháp kế toán và báo cáo tài chính. Họ cũng xem xét cách doanh nghiệp đối xử với cổ đông, bao gồm quyền biểu quyết trong các quyết định quan trọng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tìm kiếm sự cam kết mạnh mẽ từ doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo không dính líu đến các hoạt động bất hợp pháp và tránh xung đột lợi ích khi bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị. Một hệ thống quản trị minh bạch, công bằng không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Glencore Plc, một công ty khai thác và giao dịch hàng hóa có trụ sở tại Thuỵ Sĩ đã bị phạt 700 triệu đô la (tiền phạt 428 triệu đô la và tịch thu 272 triệu đô la) vào năm 2023 vì các hoạt động hối lộ và tham nhũng nước ngoài diễn ra trong suốt một thập kỷ trên khắp Nigeria, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích Đạo, Brazil, Venezuela và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Giờ đây, các nhà đầu tư không chỉ xem xét ESG dưới góc độ đạo đức mà còn coi đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Một chiến lược ESG vững chắc có thể giúp doanh nghiệp tránh những sai lầm nghiêm trọng. Chẳng hạn, bê bối gian lận khí thải của Volkswagen đã khiến giá cổ phiếu lao dốc, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư.
Nhận thức được tầm quan trọng của ESG, các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs và JPMorgan Chase hiện đã đưa ESG vào chiến lược đánh giá doanh nghiệp. Các công ty này công bố báo cáo thường niên để phân tích và xếp hạng cách tiếp cận ESG của các doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Nguồn: The Corporate Governance Institute