Ngày 5/3/2025, Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã tổ chức hội thảo khởi động hỗ trợ kỹ thuật cho việc thiết kế và thí điểm Chương trình dán nhãn carbon tự nguyện tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội thảo (Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Tại hội thảo, nhóm tư vấn dự án đã chia sẻ kinh nghiệm về dán nhãn carbon tại một số quốc gia, giới thiệu phương pháp luận và kế hoạch triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho việc thiết kế và thí điểm chương trình dán nhãn carbon tự nguyện tại Việt Nam. Dựa trên đánh giá về khuôn khổ chính sách trong nước, cơ sở hạ tầng hiện có và các bài học kinh nghiệm quốc tế, nhóm tư vấn sẽ đề xuất các chính sách, quy định và biện pháp xây dựng năng lực cho các bên liên quan. Chương trình thí điểm dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2025–2026, tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều năng lượng. Mục tiêu là lựa chọn tối đa 10 doanh nghiệp dựa trên khối lượng xuất khẩu, năng lực sản xuất và hồ sơ phát thải để tham gia chương trình.
Việc dán nhãn carbon giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin về lượng khí thải CO₂ trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và nâng cao uy tín thương hiệu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm sẽ được hỗ trợ nâng cao nhận thức, đào tạo và truyền thông về khái niệm dán nhãn carbon.
Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng nhãn carbon và thu được lợi ích đáng kể. Tại Nhật Bản, các công ty như Panasonic và Sony đã triển khai nhãn carbon cho sản phẩm điện tử, giúp tăng doanh số bán hàng nhờ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quan tâm đến môi trường. Tương tự, tại châu Âu, các nhà bán lẻ lớn như Tesco và Marks & Spencer đã áp dụng nhãn carbon cho sản phẩm thực phẩm, cải thiện hình ảnh thương hiệu và thu hút khách hàng.

Nhãn dán carbon trên sản phẩm nước ép trái cây đóng hộp tại chuỗi siêu thị Tesco
Việc triển khai chương trình dán nhãn carbon tự nguyện không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu mà còn góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững.