CÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAM
0889.514.365 (hotline)
E-mail hỗ trợ
47-49A Lê Văn Hưu, Hà Nội

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH BÁN LẺ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH BÁN LẺ

Bán lẻ Việt Nam trước ngã rẽ ESG: Đi chậm nhưng chắc

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra các cam kết thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.

ESG10 ngành Bán lẻ được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (https://esg10.vn/)

I. Tầm quan trọng của việc cam kết và thực hiện ESG đối với các doanh nghiệp bán lẻ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển bền vững ngày càng trở thành tiêu chuẩn đánh giá doanh nghiệp, ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, Governance – Quản trị) đã nổi lên như một khung tiêu chuẩn quan trọng để đo lường mức độ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, cộng đồng và quản trị nội bộ. Tại Việt Nam, ngành Bán lẻ – một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng ấn tượng – cũng không nằm ngoài làn sóng này. Tuy nhiên, thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.

Cam kết và thực thi ESG không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành yếu tố chiến lược then chốt giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa vận hành, củng cố năng lực cạnh tranh và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng. ESG tạo ra giá trị toàn diện, từ kết quả kinh doanh đến uy tín thương hiệu. Khảo sát từ các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ của Viet Research cho thấy việc đưa ra các cam kết và thực hiện ESG mang lại 06 lợi ích chính.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (https://esg10.vn/)

1. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Việc cam kết thực hiện ESG giúp doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận nhóm khách hàng ngày càng quan tâm đến sản phẩm bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Những sản phẩm thân thiện với môi trường, có quy trình sản xuất minh bạch và đạt tiêu chuẩn ESG thường được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, ESG còn giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng và hạn chế lãng phí. Việc sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến quy trình logistics và hợp tác với các nhà cung cấp có cùng tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành mà vẫn nâng cao hiệu suất hoạt động.

Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận được cải thiện một cách bền vững. Nghiên cứu của McKinsey (2023) chỉ ra rằng các doanh nghiệp xuất sắc trong việc kết hợp tăng trưởng, lợi nhuận và hiệu suất ESG (“triple outperformers”) đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm 11%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với các doanh nghiệp chỉ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận mà không chú trọng đến ESG.

2. Thu hút và giữ chân nhân tài trong tuyển dụng và nhân sự

Không chỉ tác động đến khách hàng, ESG còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Nhân viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng quan tâm đến giá trị của doanh nghiệp và môi trường làm việc có trách nhiệm. Một doanh nghiệp bán lẻ có chính sách ESG rõ ràng, cam kết phát triển bền vững và tạo ra tác động xã hội tích cực sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt ứng viên. Khi môi trường làm việc được xây dựng trên nền tảng ESG, nhân viên sẽ cảm thấy gắn kết hơn với doanh nghiệp, giảm tỷ lệ nghỉ việc và tạo động lực làm việc lâu dài. 

3. Cải thiện môi trường làm việc

Việc thực hiện ESG, đặc biệt là yếu tố “Xã hội” (Social), đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp bán lẻ xây dựng môi trường làm việc an toàn, công bằng và bền vững. Các chính sách chú trọng đến sức khỏe, an toàn lao động, đào tạo và phát triển nhân sự được xem là nền tảng để nâng cao tinh thần làm việc và hiệu suất của nhân viên. Môi trường làm việc có trách nhiệm không chỉ giảm thiểu nguy cơ tai nạn hay tranh chấp lao động, mà còn thúc đẩy sự gắn kết lâu dài giữa người lao động và doanh nghiệp.

Đồng thời, ESG còn góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực thông qua việc thúc đẩy đa dạng, hòa nhập và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi nhân viên. Theo một nghiên cứu toàn cầu của PwC, 67% người lao động cho biết họ sẵn sàng gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp có chính sách ESG tốt, và tỷ lệ này tăng lên 71% nếu doanh nghiệp tiếp tục cải thiện những chính sách đó. Điều này cho thấy ESG không chỉ nâng cao chất lượng quản trị nhân sự mà còn là công cụ chiến lược để xây dựng môi trường làm việc hiệu quả và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

4. Nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu

ESG không chỉ là một công cụ quản trị mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và củng cố lòng trung thành của khách hàng. Nghiên cứu của Viet Research về ESG trong ngành Bán lẻ cũng cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ có chiến lược ESG rõ ràng thường nhận được sự ủng hộ từ công chúng, giúp nâng cao nhận diện thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh. Điều này cho thấy, việc đầu tư vào ESG không chỉ mang lại lợi ích dài hạn mà còn là yếu tố quan trọng trong chiến lược marketing và truyền thông. Ngược lại, doanh nghiệp vướng vào các vấn đề môi trường hoặc xã hội có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và doanh thu.

5. Thu hút vốn đầu tư và giảm rủi ro tài chính

Việc thực hiện ESG giúp doanh nghiệp mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh. Các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính hiện nay ngày càng ưu tiên doanh nghiệp có chiến lược ESG bài bản, vì họ được đánh giá là có khả năng quản trị rủi ro tốt hơn và phát triển bền vững hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn từ thị trường chứng khoán, các quỹ tài chính bền vững hoặc nhận được các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, ESG giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý bằng cách đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến môi trường, lao động và quản trị doanh nghiệp.

6. Đóng góp tích cực vào cộng đồng và môi trường

Thực hiện ESG không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp tạo ra giá trị dài hạn cho cộng đồng và môi trường. Bên cạnh việc giảm thiểu tác động môi trường, các doanh nghiệp bán lẻ còn thể hiện cam kết xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ người yếu thế, tạo việc làm ổn định và bảo vệ quyền lợi người lao động. Những hoạt động này không chỉ củng cố uy tín và hình ảnh tích cực của doanh nghiệp, mà còn tăng cường sự tin tưởng và gắn kết từ cộng đồng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững lâu dài.

Các chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam như Lotte Mart, Saigon Co.op, Aeon Mall và Big C (GO!) đang tích cực thúc đẩy mô hình phát triển bền vững thông qua các hoạt động ESG cụ thể và thiết thực. Các doanh nghiệp này không chỉ khuyến khích tiêu dùng xanh bằng cách phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường, ưu đãi cho sản phẩm xanh, mà còn tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh hoặc thiên tai. Những hoạt động này góp phần ổn định chuỗi cung ứng, giảm lãng phí, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cho cộng đồng, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu và hướng đến mô hình bán lẻ hiện đại, có trách nhiệm.

II. Tổng quan về ngành Bán lẻ Việt Nam và thực trạng cam kết ESG: Từ tuyên bố đến hành động

1. Ngành Bán lẻ Việt Nam: Cơ hội lớn trong bối cảnh chuyển đổi xanh

Ngành Bán lẻ Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua, trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm 2023. Với dân số hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng, thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn đứng trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững.

2. Cam kết ESG: Khởi đầu tích cực nhưng chưa đồng đều

Theo khảo sát của PwC (2022), có tới 80% doanh nghiệp (bao gồm cả ngành Bán lẻ) đã cam kết hoặc lên kế hoạch triển khai ESG trong 2 – 4 năm tới. Trong đó, 58% doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần, 40% doanh nghiệp tư nhân/gia đình đã đặt ra các mục tiêu ESG cụ thể. Đáng chú ý, yếu tố “Quản trị” (G) được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu (62%), cao hơn nhiều so với “Môi trường” (22%) và “Xã hội” (16%).

3. Góc nhìn từ các doanh nghiệp ESG10 ngành Bán lẻ

Kết quả khảo sát của Viet Research về ngành Bán lẻ cho thấy các doanh nghiệp trong ESG10 đang tích cực hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững. Tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đạt từ 20 – 30%, đồng thời tối thiểu 5% quỹ đầu tư được phân bổ cho các dự án xanh và bền vững. Đáng chú ý, trong năm 2023, mỗi doanh nghiệp ESG10 ngành Bán lẻ đã đóng góp trung bình 2,2 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ cộng đồng – một minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội được tích hợp chặt chẽ vào chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Khía cạnh Môi trường (E)

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn đã chủ động triển khai các chương trình giảm thiểu tác động đến môi trường. Central Retail Việt Nam thông qua các chiến dịch như “No Plastic Bag Day” và “Bring Your Own Shopping Bag” đã giúp loại bỏ hơn 170.000 túi nilon trong vòng 7 tháng tại hệ thống Tops Market. MWG với chiến dịch “Kết Nối Sống Xanh” phối hợp Samsung triển khai 650 điểm thu gom, thu hồi hơn 850kg pin cũ trong năm 2023 – góp phần giảm rác thải độc hại và lan tỏa nhận thức môi trường đến người tiêu dùng.

Khía cạnh Xã hội (S)

Một số doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực thực hiện khía cạnh Xã hội (S) trong ESG bằng cách đặt con người và cộng đồng làm trung tâm. SASCO triển khai chính sách nhân sự theo nguyên tắc Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập (DEI), và là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận bình đẳng giới toàn cầu EDGE Move. Trong khi đó, CellphoneS thể hiện trách nhiệm xã hội qua chiến dịch “Tết trao yêu thương” năm 2023, trao hơn 2.000 phần quà cho người dân khó khăn tại 20 cửa hàng trên toàn quốc, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và gắn kết cộng đồng.

Khía cạnh Quản trị (G)

Trong ngành Bán lẻ, PNJ và MWG là hai trong số ít doanh nghiệp công khai báo cáo ESG hàng năm, với các chỉ số minh bạch về tài chính và quản trị rủi ro. Theo PwC, chỉ 22% doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược ESG toàn diện. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn chưa xây dựng được cơ cấu quản trị phù hợp hoặc còn phụ thuộc vào bên thứ ba trong việc lập báo cáo ESG, phản ánh sự thiếu đồng đều trong năng lực triển khai ESG toàn ngành.

III. Thách thức và rào cản trong triển khai ESG

Mặc dù ngành Bán lẻ Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc cam kết và triển khai ESG, quá trình này vẫn đối mặt với nhiều rào cản đáng kể, từ nội tại doanh nghiệp đến các yếu tố ngoại cảnh. Những thách thức này không chỉ làm chậm tiến độ tích hợp ESG mà còn tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các nhóm doanh nghiệp trong ngành. Cũng theo kết quả khảo sát Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 ngành Bán lẻ của Viet Research, có 06 thách thức chính trong việc triển khai ESG một cách hiệu quả. Các rào cản bao gồm: thiếu kiến thức chuyên môn, chi phí thực hiện cao, khung pháp lý chưa hoàn thiện, chuỗi cung ứng thiếu tính bền vững, nhận thức của người tiêu dùng còn chưa đồng đều và sự thiếu phối hợp giữa các bên liên quan. Những yếu tố này cho thấy ESG không chỉ là vấn đề chiến lược, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện về nguồn lực, hệ thống và nhận thức trong toàn chuỗi giá trị ngành Bán lẻ.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (https://esg10.vn/)

1. Thiếu kiến thức và năng lực triển khai

Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc thực hiện ESG tại Việt Nam là sự thiếu hụt kiến thức, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vốn chiếm phần lớn thị trường bán lẻ truyền thống.

2. Chi phí đầu tư ban đầu và áp lực tài chính

Triển khai ESG đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, từ việc đầu tư vào công nghệ xanh, cải tạo cơ sở hạ tầng, đến việc thay đổi quy trình vận hành. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ lớn, đây có thể là một khoản đầu tư chiến lược, nhưng với SMEs, nó lại là gánh nặng tài chính khó vượt qua. Chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án xanh thường cao và thời gian hoàn vốn kéo dài, khiến nhiều SMEs e ngại. Việc thiếu các cơ chế tài chính linh hoạt và hỗ trợ từ ngân hàng cũng là rào cản lớn, khi các khoản vay ưu đãi cho mục tiêu bền vững còn hạn chế và lãi suất chưa thực sự hấp dẫn.

3. Thiếu khung pháp lý và chính sách hỗ trợ rõ ràng

So với các quốc gia phát triển như Nhật Bản hay EU, nơi ESG được thúc đẩy bởi các quy định pháp lý chặt chẽ, tại Việt Nam, khung pháp lý liên quan đến ESG vẫn còn sơ khai và mang tính khuyến khích nhiều hơn là bắt buộc. Theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, các công ty đại chúng phải công bố thông tin về hoạt động của mình, nhưng không có quy định cụ thể bắt buộc về báo cáo phát triển bền vững dựa trên tiêu chuẩn ESG. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 90% doanh nghiệp bán lẻ nhỏ không chịu áp lực pháp lý để thực hiện ESG.

4. Áp lực từ chuỗi cung ứng chưa bền vững

Ngành Bán lẻ Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng nội địa, nơi phần lớn nhà cung cấp chưa đáp ứng tiêu chuẩn ESG. Việt Nam đang ở giai đoạn “Sản xuất hạn chế” (Limited Manufacturing) trong chuỗi giá trị toàn cầu, với cơ sở hạ tầng công nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ còn đang phát triển. Doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào công đoạn cuối của sản xuất, tận dụng lao động giá rẻ với yêu cầu kỹ thuật thấp, trong khi năng lực quản lý chuỗi cung ứng vẫn còn hạn chế.

Việc chưa tuân thủ các tiêu chuẩn ESG không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp mà còn cản trở khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế. Các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ ngày càng siết chặt quy định về ESG. Chẳng hạn, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu vào khu vực này phải báo cáo mức phát thải CO₂. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng ESG sẽ có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

5. Rào cản từ nhận thức đến hành động

​Nhận thức về tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đang gia tăng, nhưng việc chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể vẫn gặp nhiều rào cản, đặc biệt liên quan đến chi phí và lợi nhuận. 

Đối với các nhà bán lẻ, điều này tạo ra áp lực kép: vừa phải đầu tư vào ESG để đáp ứng nhu cầu tại các thành phố lớn, vừa phải đảm bảo giá thành hợp lý để cạnh tranh ở khu vực nông thôn, nơi người tiêu dùng nhạy cảm hơn về giá. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, 78% người tiêu dùng cho rằng rào cản lớn nhất của sản phẩm xanh là giá cao và độ phủ hạn chế. Mặc dù nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm xanh, mức độ chi trả tăng thêm được hưởng ứng nhiều nhất là 5%-10% so với sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, tại các khu vực nông thôn, nhận thức về bảo vệ môi trường và tiêu dùng xanh vẫn còn hạn chế, với khoảng 7% người tiêu dùng cho rằng họ chưa cảm thấy cần thiết phải tiêu dùng xanh.

Những yếu tố này khiến các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là SMEs, phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc đầu tư vào ESG và duy trì khả năng cạnh tranh về giá, đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm về giá cả như nông thôn.

6. Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan

Cuối cùng, sự thiếu gắn kết giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ là một rào cản lớn. Trong khi các quốc gia như Nhật Bản có các liên minh ESG (như Japan Business Federation) để hỗ trợ doanh nghiệp, tại Việt Nam, các sáng kiến ESG thường mang tính cá nhân, thiếu sự phối hợp chiến lược. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là SMEs, không nhận được hỗ trợ đầy đủ từ các bên liên quan để vượt qua khó khăn ban đầu.

IV. Xu hướng triển khai cam kết và thực hiện ESG trong ngành Bán lẻ

Trong bối cảnh áp lực từ người tiêu dùng, nhà đầu tư và các quy định quốc tế ngày càng gia tăng, ngành Bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt trong cách tiếp cận ESG. Những xu hướng này không chỉ phản ánh nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp mà còn chịu ảnh hưởng từ các mô hình thành công trên thế giới.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (https://esg10.vn/)

1. Chuyển đổi sang chuỗi cung ứng bền vững

Một trong những xu hướng nổi bật là nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Tại Việt Nam, xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng xanh đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ quan tâm nhằm giảm thiểu tác động môi trường từ sản xuất đến phân phối. Theo khảo sát của Viet Research, các doanh nghiệp bán lẻ hiện dành tối thiểu 5% vốn đầu tư cho các dự án xanh và bền vững.

Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh. AEON Việt Nam, sau một năm thử nghiệm thành công chương trình “Ngày không túi ni-lông”, đang đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% giao dịch của khách hàng sẽ không sử dụng túi ni-lông dùng một lần. Trong khi đó, Saigon Co.op đã công bố kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ bền vững. Chiến lược này không chỉ giúp kết nối nhà sản xuất và nhà cung ứng mà còn hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn.

Trên thế giới, xu hướng này đang định hình lại ngành Bán lẻ. Walmart – nhà bán lẻ lớn nhất thế giới – đã khởi động chương trình “Project Gigaton” vào năm 2017 với mục tiêu cắt giảm 1 tỷ tấn khí thải CO₂ trong chuỗi cung ứng vào năm 2030. Đến năm 2024, Walmart tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu này sớm hơn kế hoạch, nhờ sự hợp tác của hơn 5.000 nhà cung cấp trong việc tối ưu hóa hiệu suất năng lượng và tái thiết kế bao bì. Thành công này cho thấy sức mạnh của sự hợp tác trong chuỗi cung ứng để thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là bài học quan trọng cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong việc tận dụng quy mô để tạo ra tác động tích cực trong chuỗi cung ứng.

2. Ứng dụng công nghệ số 

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong quản trị ESG, giúp doanh nghiệp giám sát và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động bền vững. Tại Việt Nam, MWG ứng dụng IoT vào vận hành nhằm tiết kiệm tài nguyên. Hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, thông gió giúp tối ưu năng lượng và mang đến trải nghiệm mua sắm đồng bộ. Công nghệ IoT còn hỗ trợ giám sát thiết bị từ xa, phát hiện và bảo trì kịp thời. MWG cũng triển khai bảng giá điện tử giúp cập nhật giá tức thời, giảm thao tác thủ công và tiết kiệm giấy, mực in. Hóa đơn điện tử giúp cắt giảm chi phí và hạn chế rác thải.

Amazon là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa logistics và giảm phát thải CO₂. Từ năm 2015 đến 2022, công ty đã cắt giảm hơn 2 triệu tấn bao bì nhờ AI trong quy trình đóng gói. Đồng thời, Amazon đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, góp phần giảm tổng lượng khí thải xuống 70,74 triệu tấn CO₂ vào năm 2023. Hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2040, Amazon đã dành 1 tỷ USD để điện khí hóa hoạt động hậu cần, bao gồm triển khai xe tải điện nhằm cắt giảm hàng triệu tấn CO₂ từ vận chuyển. Xu hướng này cho thấy tiềm năng lớn của công nghệ số trong ngành Bán lẻ Việt Nam, dù hiện tại chỉ những doanh nghiệp lớn mới có đủ nguồn lực để áp dụng.

3. Tăng cường minh bạch và báo cáo ESG

Minh bạch trong quản trị và công bố thông tin ESG đang trở thành tiêu chuẩn mới. MWG và PNJ là hai trong số các doanh nghiệp bán lẻ tiên phong công bố báo cáo ESG định kỳ, cung cấp thông tin chi tiết về các chiến lược phát triển bền vững, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và hiệu quả thực hiện các cam kết ESG. Việc minh bạch hóa này không chỉ nâng cao uy tín doanh nghiệp, tăng cường niềm tin với nhà đầu tư mà còn giúp thu hút dòng vốn bền vững từ các quỹ quốc tế, những tổ chức ngày càng ưu tiên rót vốn vào các doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng.

Trên thế giới, xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các quy định chặt chẽ từ Liên minh châu Âu (EU). Theo Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD), khoảng 50.000 công ty hoạt động tại châu Âu sẽ phải báo cáo về tính bền vững, bao gồm cả các công ty thuộc EU và các doanh nghiệp không thuộc EU nhưng hoạt động trong khu vực này. Ngoài ra, theo Báo cáo Khảo sát Thương mại Toàn cầu Doanh nghiệp 2023 do Reuters công bố, 88% doanh nghiệp toàn cầu yêu cầu thu thập dữ liệu về ESG mỗi năm một lần từ các nhà cung ứng, đặt ra thách thức mới cho doanh nghiệp Việt trong quá trình hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự chênh lệch trong việc áp dụng và báo cáo ESG giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế cho thấy ngành Bán lẻ Việt Nam cần đẩy mạnh minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG để bắt kịp xu hướng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư bền vững.

4. Tập trung vào trải nghiệm khách hàng bền vững

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường và xã hội, thúc đẩy xu hướng tích hợp ESG vào trải nghiệm mua sắm. Tại Việt Nam, ​các doanh nghiệp bán lẻ như Central Retail, Aeon, Lotte Mart hay Saigon Co.op đã tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách gắn nhãn “tick xanh” cho các mặt hàng đạt tiêu chí bền vững. Đây là cách tiếp cận sáng tạo, không chỉ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện sản phẩm có trách nhiệm mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và củng cố hình ảnh thương hiệu.

Trên thế giới, Starbucks là một ví dụ điển hình về tích hợp bền vững vào trải nghiệm khách hàng. Từ năm 2018, hãng khuyến khích khách mang cốc cá nhân với ưu đãi giảm giá 10 cent mỗi giao dịch, giúp giảm hàng trăm triệu cốc giấy dùng một lần vào năm 2022. Starbucks cũng đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn ly nhựa dùng một lần vào năm 2030 và thử nghiệm mô hình hoàn trả cốc để giảm rác thải nhựa.

Tích hợp ESG vào trải nghiệm khách hàng không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững mà còn tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Đây là xu hướng mà các nhà bán lẻ Việt Nam có thể học hỏi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.

5. Hợp tác công-tư và liên minh ngành

Hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức phi chính phủ đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm thúc đẩy ESG. Tại Việt Nam, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), thành lập năm 2019 với sự tham gia của Masan, Vinamilk, TH True Milk và các nhà bán lẻ, đã tái chế hơn 25.000 tấn bao bì vào năm 2023, trong đó ngành Bán lẻ đóng góp 40%. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giảm rác thải nhựa.

Trên thế giới, The Fashion Pact – liên minh ESG trong ngành thời trang với các thương hiệu như Adidas, Burberry, Chanel, H&M, Nike và Prada – đặt mục tiêu giảm phát thải CO₂, bảo vệ đa dạng sinh học và đại dương. Tính đến nay, 60% thành viên đã loại bỏ nhựa khỏi túi mua sắm bán lẻ. Ngoài ra, sáng kiến hợp đồng mua bán điện tái tạo tập thể (CVPPA) dự kiến bổ sung 160.000 MWh điện tái tạo/năm vào lưới điện châu Âu, góp phần giảm khí thải từ sản xuất. Những mô hình hợp tác này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm môi trường mà còn tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Đây là hướng đi mà các nhà bán lẻ Việt Nam có thể học hỏi và mở rộng trong tương lai.

6. Đầu tư vào năng lượng tái tạo

Tại Việt Nam, AEON Việt Nam đã đầu tư hệ thống điện mặt trời cho các trung tâm thương mại. AEON Mall Long Biên lắp đặt hệ thống pin mặt trời công suất 1,62 MW, giúp giảm 7% chi phí điện hàng tháng. Trên thế giới, IKEA cam kết giảm ít nhất 50% lượng phát thải khí nhà kính tuyệt đối trong chuỗi giá trị vào năm 2030 so với mức cơ sở năm 2016 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 muộn nhất vào năm 2050 mà không sử dụng cơ chế bù trừ carbon. Đến năm 2023, Tập đoàn Ingka – công ty mẹ của IKEA – đã đạt 79,2% điện năng tái tạo trong hoạt động, tăng từ 74,6% của năm trước.

Những minh chứng trên cho thấy ngành Bán lẻ đang sở hữu dư địa lớn để khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo, đặc biệt thông qua việc tận dụng hiệu quả không gian mái tại các trung tâm thương mại, siêu thị hay kho vận. Việc đầu tư vào nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể chi phí vận hành và tăng tính tự chủ về năng lượng, mà còn là bước đi chiến lược khẳng định cam kết ESG một cách rõ ràng và thuyết phục. Với người tiêu dùng, đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp thực sự hướng đến phát triển bền vững; còn với nhà đầu tư, đó là lời cam kết dài hạn về trách nhiệm, minh bạch và năng lực thích ứng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe trong hành trình phát triển xanh.

Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy một bức tranh đa sắc: các doanh nghiệp lớn đang tiên phong với những bước đi đáng ghi nhận, trong khi SMEs vẫn chật vật với nguồn lực và nhận thức. Dù còn nhiều thách thức, tiềm năng từ xu hướng tiêu dùng xanh và dòng vốn đầu tư bền vững là cơ hội để ngành Bán lẻ Việt Nam vươn lên.

Lễ Công bố và Vinh danh Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bán lẻ (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Leave A Comment