CÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAM
0889.514.365 (hotline)
E-mail hỗ trợ
47-49A Lê Văn Hưu, Hà Nội

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH BẢO HIỂM

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH BẢO HIỂM

ESG: Chìa Khóa Vàng Để Bảo Hiểm Việt Nam Thăng Hạng Trên Bản Đồ Thế Giới

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.

ESG10 ngành Bảo hiểm được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (https://esg10.vn/)

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (https://esg10.vn/)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng, các tiêu chuẩn về Môi trường (Environmental), Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) – gọi tắt là ESG – đã trở thành một thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ngành Bảo hiểm – một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro và hỗ trợ tài chính cho xã hội – cũng không nằm ngoài xu thế này. Tuy nhiên, thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các công ty bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế.

I. Tầm quan trọng của việc cam kết và thực hiện ESG đối với các công ty Bảo hiểm

Việc cam kết và thực hiện ESG không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn mang lại giá trị thực tiễn cho các công ty bảo hiểm trên nhiều khía cạnh, từ hiệu quả tài chính, quản lý nhân sự, đến xây dựng thương hiệu và đóng góp xã hội. Khảo sát từ các Doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh – Ngành Bảo hiểm 2025 của Viet Research cho thấy việc đưa ra các cam kết và thực hiện ESG tại các doanh nghiệp bảo hiểm mang lại 06 lợi ích chính.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (https://esg10.vn/)

1. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Việc tích hợp các tiêu chí ESG không chỉ giúp các công ty bảo hiểm mở rộng thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó cải thiện hiệu quả tài chính. Báo cáo năm 2023 của Generali cho thấy doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm tích hợp yếu tố ESG đạt 20,8 triệu euro, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,4% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, ESG còn góp phần tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Các công ty bảo hiểm đã đưa tiêu chí ESG vào quy trình đánh giá rủi ro của khách hàng và danh mục đầu tư, giúp họ sớm nhận diện các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc vấn đề quản trị doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chính sách bảo hiểm và phí bồi thường một cách phù hợp, giảm thiểu tổn thất và nâng cao lợi nhuận dài hạn.

2. Thu hút và giữ chân nhân tài trong tuyển dụng, nhân sự

Trong bối cảnh cạnh tranh nhân sự ngày càng khốc liệt, ESG đang trở thành một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân người tài. Một khảo sát toàn cầu của McKinsey cho thấy, khoảng 1/3 người lao động nhận định rằng các hoạt động ESG tại doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực rõ rệt đến mức độ cam kết của họ với tổ chức, từ đó góp phần nâng cao sự gắn bó và giảm tỷ lệ nghỉ việc. Điều này cho thấy việc triển khai chiến lược phát triển bền vững không chỉ tạo giá trị xã hội, mà còn tăng cường lòng trung thành và sự hài lòng của nhân viên – yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ ổn định, bền vững.

3. Cải thiện môi trường làm việc

Việc thực hiện ESG không chỉ dừng lại ở các chính sách bên ngoài mà còn mang lại lợi ích thiết thực trong việc cải thiện môi trường làm việc nội bộ. Các công ty bảo hiểm khi áp dụng các tiêu chuẩn môi trường như giảm tiêu thụ năng lượng, số hóa quy trình vận hành đã và đang xây dựng không gian làm việc hiện đại, hiệu quả và thân thiện hơn cho nhân viên. Allianz – một trong những tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới – là ví dụ điển hình cho xu hướng này. Tập đoàn này đã sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo từ năm 2023, chuyển đổi đội xe sang xe điện, đồng thời số hóa mạnh mẽ quy trình vận hành như tự động hóa xử lý hơn 2,5 triệu giao dịch/năm bằng RPA, phát triển nền tảng kỹ thuật số Allianz Direct xử lý bồi thường chỉ trong 60 giây.

4. Nâng cao hình ảnh và thương hiệu

ESG là công cụ mạnh mẽ để xây dựng hình ảnh và củng cố thương hiệu trong mắt khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng. Theo AM Best, từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, ESG là nhân tố chính trong 13% các thay đổi xếp hạng toàn cầu. Điều này cho thấy việc quản lý tốt các yếu tố ESG có thể cải thiện xếp hạng tín nhiệm, từ đó giảm chi phí vốn và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ESG cũng là yếu tố thu hút vốn đầu tư từ thị trường quốc tế. Theo các nghiên cứu, năm 2023, các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu đã quản lý hơn 35.000 tỷ USD. Những doanh nghiệp tuân thủ ESG không chỉ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế mà còn hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi tài chính của ngân hàng, giúp tăng cường năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.

5. Đóng góp vào mục tiêu môi trường và xã hội

ESG cho phép các công ty bảo hiểm đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội.

6. Tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn

Việc áp dụng ESG giúp các công ty bảo hiểm tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn trong bối cảnh các quy định quốc tế ngày càng siết chặt và xu hướng đầu tư bền vững ngày càng mạnh mẽ. Theo Bloomberg Intelligence, tài sản ESG toàn cầu đã vượt 41 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025, cho thấy dòng vốn đầu tư đang ưu tiên các doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững. Các công ty bảo hiểm tích hợp ESG không chỉ đáp ứng các yêu cầu pháp lý như Quy định SFDR của EU mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư và khách hàng có ý thức về môi trường và xã hội. Ngược lại, những doanh nghiệp chậm chuyển đổi có nguy cơ mất thị phần khi thị trường ngày càng ưu tiên những tổ chức có chiến lược ESG rõ ràng.

II. Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các công ty bảo hiểm Việt Nam thời gian qua

ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường mức độ bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội và cách thức quản trị nội bộ. Trong ngành Bảo hiểm, ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố chiến lược, bởi các công ty bảo hiểm đóng vai trò kép: vừa là nhà đầu tư lớn (quản lý quỹ bảo hiểm trị giá hàng nghìn tỷ đồng), vừa là đơn vị cung cấp các sản phẩm bảo vệ rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và quản trị doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các cam kết tại Hội nghị COP26 (2021), với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Điều này đặt áp lực lên các ngành kinh tế, trong đó có bảo hiểm, phải điều chỉnh chiến lược để phù hợp với các yêu cầu ESG. Tuy nhiên, việc chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể trong ngành Bảo hiểm vẫn còn gặp nhiều hạn chế.

1. Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các công ty bảo hiểm Việt Nam

Khía cạnh Môi trường (E)

Trên khía cạnh môi trường, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang có bước tiến rõ rệt trong triển khai ESG, tiêu biểu là Tập đoàn Bảo Việt. Năm 2023, doanh nghiệp này đã thực hiện loạt hành động thiết thực như: tiết giảm 3.764 lít xăng, hơn 533.000 kWh điện, gần 2.000 m³ nước sinh hoạt và giảm phát thải 354 tấn CO₂. Bảo Việt còn thu gom 2 tấn rác thải và trồng 500 cây xanh trong cộng đồng. Những nỗ lực này đã góp phần đưa Bảo Việt trở thành doanh nghiệp tài chính – bảo hiểm Việt Nam đầu tiên được nâng hạng trong bảng xếp hạng DJSI S&P toàn cầu và đạt điểm cao hơn 66% các doanh nghiệp cùng ngành.

Khía cạnh Xã hội (S)

Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát của Viet Research, trung bình mỗi doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm đã chi khoảng 8,7 tỷ đồng trong năm 2023 cho hoạt động thiện nguyện và đóng góp xã hội.

Khía cạnh Quản trị (G)

Tại Việt Nam, yếu tố Quản trị trong ESG được xem là trụ cột có mức độ triển khai tích cực nhất, nhờ vào sự giám sát chặt chẽ từ hệ thống pháp luật và đặc thù ngành Bảo hiểm vốn yêu cầu cao về quản lý rủi ro. Theo khảo sát của Viet Research, tỷ lệ thành viên độc lập trong hội đồng quản trị tại các công ty bảo hiểm hiện dao động từ 17–20%, phản ánh nỗ lực tăng cường cơ chế giám sát và kiểm soát nội bộ.

Tuy nhiên, việc tích hợp ESG vào quản trị rủi ro vẫn còn hạn chế. Mặc dù Thông tư 70/2022/TT–BTC của Bộ Tài chính đã yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và báo cáo định kỳ, nhưng trên thực tế, số lượng doanh nghiệp chủ động đề cập đến các rủi ro phi tài chính như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội hay đạo đức kinh doanh vào chiến lược quản trị vẫn còn thấp, cho thấy khoảng cách giữa cam kết pháp lý và thực thi vẫn cần được thu hẹp để bắt kịp xu hướng khu vực và quốc tế.

2. Các khó khăn và thách thức trong triển khai ESG trong các doanh nghiệp Bảo hiểm

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cam kết và triển khai ESG, ngành Bảo hiểm Việt Nam vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức lớn, xuất phát từ cả yếu tố nội tại lẫn ngoại cảnh. Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm của Viet Research, hiện có 06 thách thức chính đang cản trở việc tích hợp ESG một cách toàn diện.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (https://esg10.vn/)

Thiếu dữ liệu và công cụ đo lường hiệu quả ESG

Một trong những thách thức lớn nhất trong nghiên cứu của Viet Research là sự thiếu hụt dữ liệu đáng tin cậy và các công cụ đo lường hiệu quả ESG. Ví dụ, để đo lường tác động môi trường (Environmental), các công ty cần thu thập dữ liệu về lượng khí thải carbon từ hoạt động vận hành, hoặc tỷ lệ danh mục đầu tư vào các dự án “xanh”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống thống kê môi trường doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ, và nhiều công ty bảo hiểm nhỏ không có đủ nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu riêng. Điều này dẫn đến việc báo cáo ESG thường mang tính hình thức, thiếu chiều sâu và không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế.

Chi phí triển khai cao và hạn chế về nguồn lực

Việc tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư đáng kể cho công nghệ, nhân sự và hệ thống quản trị – điều mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ (SMEs), còn gặp nhiều hạn chế. Trên thực tế, chi phí xây dựng một hệ thống quản lý ESG cơ bản bao gồm phần mềm theo dõi dữ liệu, đào tạo nhân sự, tư vấn chiến lược và chứng nhận quốc tế có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chưa kể đến các khoản chi phí vận hành và cập nhật định kỳ, đây là rào cản khiến không ít doanh nghiệp e ngại trong việc theo đuổi lộ trình ESG một cách bài bản và dài hạn.

Áp lực từ quy định pháp luật chưa rõ ràng

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách thúc đẩy ESG nhưng hiện tại, Việt Nam chưa có các quy định bắt buộc cụ thể về công bố thông tin ESG đối với doanh nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực Bảo hiểm. Sự thiếu hụt về khung pháp lý và cơ sở dữ liệu ESG khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc triển khai và tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Các công ty bảo hiểm lớn phải tuân thủ cả yêu cầu nội địa lẫn tiêu chuẩn quốc tế (do có đối tác nước ngoài), trong khi các SMEs lại không có đủ thông tin hoặc nguồn lực để đáp ứng. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về mức độ triển khai ESG giữa các nhóm doanh nghiệp.

Nhận thức và văn hóa doanh nghiệp chưa đồng bộ

Dù nhận thức về ESG ngày càng được nâng cao, nhưng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều công ty bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa có sự chuyển đổi rõ rệt để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm SMEs xem ESG như một nghĩa vụ phải thực hiện hơn là một chiến lược dài hạn tạo ra giá trị thực sự. Do đó, việc áp dụng ESG chủ yếu dừng lại ở các hoạt động bề nổi như từ thiện hay tuyên truyền, thay vì thay đổi cốt lõi trong mô hình kinh doanh.

Áp lực cạnh tranh và kỳ vọng từ khách hàng

Ngành Bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này, các công ty thường ưu tiên tối ưu hóa lợi nhuận ngắn hạn hơn là đầu tư dài hạn vào ESG. Đồng thời, khách hàng tại Việt Nam – đặc biệt là phân khúc cá nhân và doanh nghiệp nhỏ – vẫn chưa đặt ESG làm tiêu chí chính khi lựa chọn sản phẩm bảo hiểm. Điều này tạo ra áp lực ngược lên các công ty bảo hiểm: nếu đầu tư mạnh vào ESG, họ có thể mất lợi thế cạnh tranh về giá; nhưng nếu không triển khai, họ lại đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu so với xu hướng toàn cầu, đặc biệt khi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết ESG mạnh mẽ.

Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan

Một trong những rào cản lớn trong quá trình triển khai ESG tại các công ty bảo hiểm Việt Nam chính là thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và thậm chí là khách hàng. Trong khi ESG là một chiến lược mang tính hệ thống và liên ngành, thì việc thực hiện lại đang diễn ra rời rạc, thiếu đầu mối điều phối chung. Điều này tạo ra khoảng trống trong quy trình hoạch định chính sách, hướng dẫn thực thi, cũng như chia sẻ thông tin và nguồn lực.

Chính vì thiếu một cơ chế hợp tác đa bên hiệu quả, nên ESG tại nhiều công ty bảo hiểm vẫn đang bị triển khai theo hướng tự phát, thiếu tính đồng bộ và không tạo được hiệu ứng lan tỏa trong toàn chuỗi giá trị. Để khắc phục, cần có hành lang pháp lý rõ ràng hơn, các cơ chế hợp tác và hỗ trợ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, và đặc biệt là vai trò kết nối từ các tổ chức trung gian như hiệp hội bảo hiểm, các tổ chức tư vấn và định chế tài chính nhằm định hình lộ trình ESG chung cho toàn ngành.

3. Xu hướng triển khai ESG trong ngành Bảo hiểm

Trong bối cảnh ESG ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi định hình chiến lược kinh doanh, ngành Bảo hiểm trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang chứng kiến những xu hướng mới trong việc cam kết và triển khai ESG. Khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm do Viet Research thực hiện đã ghi nhận 05 xu hướng chính phản ánh định hướng phát triển ESG của các công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Những xu hướng này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong nhận thức mà còn định hướng cách các công ty bảo hiểm điều chỉnh mô hình hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của xã hội và nhà đầu tư.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (https://esg10.vn/)

Tăng cường phát triển sản phẩm bảo hiểm “xanh”

Trên thế giới, các công ty bảo hiểm lớn đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ mục tiêu bền vững. Ví dụ, AXA – một trong những công ty bảo hiểm tầm cỡ toàn cầu trong việc chống lại biến đổi khí hậu – hỗ trợ các công nghệ “xanh” bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Prudential là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này với việc ra mắt quỹ liên kết đơn vị “PRUlink Tương Lai Xanh”, hướng đến đầu tư bền vững và có trách nhiệm. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của bảo hiểm “xanh” tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, quy mô và phạm vi của các sản phẩm này tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào phân khúc doanh nghiệp lớn thay vì khách hàng cá nhân.

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý ESG

Công nghệ số ngày càng trở thành công cụ quan trọng giúp các công ty bảo hiểm thực thi ESG một cách hiệu quả hơn. Điển hình, Zurich Insurance Group đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với trực giác con người để phát hiện gian lận trong yêu cầu bồi thường. Nhờ AI, công ty có thể xác định các hành vi đáng ngờ nhanh chóng, nâng cao hiệu quả điều tra và giảm thiểu tổn thất tài chính. AI cũng hỗ trợ tự động hóa quy trình phân tích dữ liệu, giúp điều tra viên tập trung vào các vụ việc phức tạp, từ đó cải thiện tính minh bạch và hiệu suất hoạt động.

Tích hợp ESG vào chiến lược đầu tư

Ngành Bảo hiểm, với vai trò là nhà đầu tư tổ chức lớn, đang chứng kiến xu hướng tích hợp ESG vào danh mục đầu tư. Chẳng hạn, Allianz – một trong những tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới – đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 20 tỷ EUR vào các giải pháp khí hậu và công nghệ sạch, phù hợp với các quy định bền vững của EU. Allianz đã và đang mở rộng danh mục đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, bao gồm trang trại gió, điện mặt trời, hydro xanh và amoniac xanh, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tại Việt Nam, xu hướng này đang dần hình thành, dù còn chậm. Theo khảo sát của Viet Research, các công ty bảo hiểm đã và đang lên kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư xanh, với ngân sách dự kiến chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư. VINARE là một trong những đơn vị tiên phong khi tích hợp khung ESG vào quy trình ra quyết định và ưu tiên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, kinh doanh bền vững.

Áp lực từ các bên liên quan và quy định quốc tế

Sự gia tăng áp lực từ các nhà đầu tư, khách hàng và quy định quốc tế đang thúc đẩy các công ty bảo hiểm thay đổi cách tiếp cận ESG. Trên thế giới, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định SFDR (Sustainable Finance Disclosure Regulation) từ năm 2019 và chính thức có hiệu lực năm 2021, yêu cầu các công ty tài chính – bao gồm bảo hiểm – phải công bố chi tiết về tác động ESG của hoạt động kinh doanh. Điều này đã khiến các công ty bảo hiểm trên toàn cầu phải rà soát lại mô hình kinh doanh, tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược dài hạn và tăng cường tính minh bạch trong báo cáo tài chính.

Tại Việt Nam, áp lực tương tự đang đến từ các cam kết quốc gia và đối tác nước ngoài. Sau COP26, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận Just Energy Transition Partnership (JETP) với các nước G7 và các đối tác quốc tế, huy động 15,5 tỷ USD phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Song song với đó, các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài đang chịu sức ép từ tập đoàn mẹ trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG toàn cầu, buộc họ phải điều chỉnh chiến lược tại thị trường nội địa.

Điển hình như Generali Việt Nam – công ty con của tập đoàn bảo hiểm hàng đầu tại Ý – đã phải định hướng lại chiến lược phát triển theo nguyên tắc ESG để đáp ứng yêu cầu từ công ty mẹ. Điều này kéo theo việc siết chặt các tiêu chuẩn về minh bạch quản trị, đầu tư bền vững và phát triển các sản phẩm bảo hiểm có trách nhiệm, tạo áp lực cạnh tranh và cũng là động lực buộc toàn ngành tại Việt Nam phải nâng cấp để theo kịp chuẩn mực quốc tế.

Chú trọng vào trách nhiệm xã hội và giáo dục cộng đồng

Dai–ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm tiêu biểu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và giáo dục cộng đồng. Trong hơn 17 năm qua, công ty đã trao hơn 40.000 suất học bổng và quà khuyến học cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, riêng năm học 2023–2024 hỗ trợ hơn 4.300 học bổng, quà khuyến học và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, Dai–ichi Life Việt Nam còn tài trợ thiết bị học tập, phối hợp cùng nhà trường và địa phương tổ chức các chương trình khuyến học thường niên, góp phần tạo điều kiện học tập bền vững cho thế hệ trẻ – phản ánh rõ nét cam kết lâu dài của doanh nghiệp với cộng đồng và định hướng phát triển bền vững.

Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các công ty bảo hiểm Việt Nam thời gian qua cho thấy một bức tranh đa chiều: có những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp lớn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với SMEs và toàn ngành. ESG không chỉ là xu hướng mà còn là con đường tất yếu để ngành Bảo hiểm Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Việc chuyển từ lời nói sang hành động đòi hỏi sự đồng lòng của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và xã hội, để ESG thực sự trở thành động lực cho sự phát triển lâu dài.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bảo hiểm (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit – 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Leave A Comment