CÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAM
0889.514.365 (hotline)
E-mail hỗ trợ
47-49A Lê Văn Hưu, Hà Nội

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH TÀI CHÍNH – CHỨNG KHOÁN

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH TÀI CHÍNH – CHỨNG KHOÁN

Tài chính – Chứng khoán Việt Nam trước ngưỡng cửa ESG: Đi chậm, thắng lớn?

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra các cam kết thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp…

ESG10 ngành Tài chính – Chứng khoán được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (https://esg10.vn/)

I. Tầm quan trọng của việc cam kết và thực hiện ESG đối với các công ty tài chính – chứng khoán

Cam kết và thực hiện ESG không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là yếu tố chiến lược giúp các công ty tài chính – chứng khoán tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao vị thế cạnh tranh và đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng. Khảo sát từ Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán của Viet Research cho thấy việc đưa ra các cam kết và thực hiện ESG mang lại 06 lợi ích nổi bật. ESG tác động toàn diện từ tăng trưởng doanh thu, thu hút nhân tài, tạo dựng môi trường làm việc tích cực đến nâng cao hình ảnh thương hiệu, thể hiện trách nhiệm xã hội và hấp dẫn các dòng vốn đầu tư bền vững. Những lợi ích này đã được chứng minh rõ nét qua các số liệu và thực tiễn triển khai trên thế giới.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (https://esg10.vn/)

1. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận

Theo số liệu từ các nghiên cứu của Viet Research và thống kê của Morningstar, trong năm 2023, các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực Đông Nam Á đã thu hút được dòng vốn ròng là 325 triệu USD, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu USD của năm 2022. Sự gia tăng này phản ánh xu hướng đầu tư bền vững ngày càng được ưa chuộng trong khu vực, nhờ tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và các cơ hội đầu tư liên quan đến chuyển đổi năng lượng, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe.

​Theo báo cáo của McKinsey, các công ty đạt hiệu suất vượt trội về tăng trưởng, lợi nhuận và ESG (triple outperformers) có tổng lợi nhuận cho cổ đông (TSR) hàng năm cao hơn 2 điểm phần trăm so với các công ty chỉ vượt trội về tài chính. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2021, các công ty này tăng trưởng doanh thu trung bình 11% mỗi năm, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với các công ty chỉ vượt trội về tăng trưởng và lợi nhuận nhưng kém về ESG.

2. Thu hút và giữ chân nhân tài trong tuyển dụng và nhân sự

Các nghiên cứu của Viet Research về thị trường tài chính – chứng khoán cho thấy nhiều công ty trên thế giới đã lồng ghép triết lý phát triển bền vững một cách toàn diện vào hoạt động nhân sự. Từ tuyển dụng đa dạng, xây dựng văn hóa cố vấn – học hỏi, chính sách phúc lợi toàn diện cho đến các sáng kiến cộng đồng và cam kết về bình đẳng, mọi khía cạnh đều phản ánh rõ định hướng ESG của doanh nghiệp.

3. Cải thiện môi trường làm việc

Cũng theo các nghiên cứu của Viet Research, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán nổi tiếng trên thế giới đã triển khai nhiều sáng kiến ESG nhằm cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt tập trung vào sức khỏe tinh thần và xây dựng văn hóa đa dạng, hòa nhập. Ví dụ các mạng lưới “Mental Health First Aiders” hay các chương trình như Women’s Career Strategies Initiative và Reverse Mentoring tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho các nhóm yếu thế.

4. Nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu

Cam kết ESG mạnh mẽ của Morgan Stanley đã góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị thương hiệu, thông qua việc tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm, dẫn đầu trong đầu tư bền vững và thu hút sự tin tưởng từ khách hàng tổ chức cũng như nhà đầu tư toàn cầu. Trong Báo cáo ESG năm 2023, Morgan Stanley cho biết đã huy động hơn 820 tỷ USD cho các giải pháp bền vững, thể hiện một trong những cam kết ESG lớn nhất ngành tài chính toàn cầu. Theo bảng xếp hạng Best Global Brands 2024 của Interbrand, giá trị thương hiệu Morgan Stanley đạt 12,4 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước, và giữ vị trí thứ 66 toàn cầu. Đáng chú ý, Interbrand đánh giá thương hiệu dựa trên ba trụ cột: hiệu quả tài chính, vai trò thương hiệu trong hành vi tiêu dùng và sức mạnh thương hiệu – trong đó, các yếu tố phát triển bền vững và ESG ngày càng trở thành thành phần cốt lõi trong chỉ số “brand strength” hay “sức mạnh thương hiệu”.

5. Thu hút vốn đầu tư và giảm rủi ro tài chính

Việc thực hiện ESG mang lại lợi thế rõ rệt cho doanh nghiệp trong việc thu hút vốn và giảm thiểu rủi ro tài chính. Theo Bloomberg, đến năm 2023, các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu đã quản lý hơn 35.000 tỷ USD – một con số cho thấy quy mô và sức hút ngày càng tăng của dòng vốn bền vững. Doanh nghiệp tuân thủ ESG không chỉ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế thuận lợi hơn mà còn dễ dàng nhận được các ưu đãi tài chính từ ngân hàng. Việc chú trọng ESG còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất tài chính đến 20% khi xảy ra khủng hoảng, nhờ quản trị tốt rủi ro pháp lý và môi trường.

6. Đóng góp tích cực vào cộng đồng và môi trường

ESG đóng vai trò then chốt trong việc giúp các công ty tài chính – chứng khoán thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường, đồng thời tạo dựng giá trị dài hạn cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ví dụ của Goldman Sachs, tập đoàn này đã đặt mục tiêu huy động 750 tỷ USD cho tài chính bền vững đến năm 2030 và đến năm 2024 đã hoàn thành khoảng 75% chặng đường chỉ sau bốn năm triển khai. Cam kết này không chỉ thể hiện nỗ lực giảm thiểu tác động môi trường trong nội tại tổ chức, mà còn khẳng định vai trò của các công ty chứng khoán quốc tế trong việc dẫn dắt dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển xanh. Đây là hướng đi chiến lược mà các công ty tài chính – chứng khoán Việt Nam có thể tham khảo để nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu thế toàn cầu.

II. Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong các công ty tài chính – chứng khoán Việt Nam: Thách thức và triển vọng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhận thức về phát triển bền vững, ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội, Governance – Quản trị) đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, cộng đồng và quản trị nội bộ. Tại Việt Nam, ngành Tài chính – Chứng khoán – một lĩnh vực then chốt trong hệ thống tài chính – cũng không nằm ngoài xu hướng này.

1. Tổng quan về ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam

Trong hai thập kỷ qua, ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Tính đến ngày 25/02/2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,3 triệu tỷ đồng, tương đương 63,4% GDP ước tính năm 2024 – thể hiện vai trò ngày càng lớn của thị trường chứng khoán trong cấu trúc tài chính quốc gia. Không chỉ là trung gian giữa nguồn vốn và nhu cầu vốn, ngành Tài chính – Chứng khoán đã khẳng định vai trò cầu nối chiến lược giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là khi nhu cầu về đầu tư có trách nhiệm và phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) không còn là một lựa chọn mang tính hình thức, mà đã trở thành một phần tất yếu trong chiến lược phát triển của các công ty tài chính – chứng khoán. ESG không chỉ liên quan đến quản trị nội bộ – như minh bạch thông tin, đạo đức kinh doanh hay giảm phát thải carbon – mà còn tác động trực tiếp đến cách các công ty tư vấn đầu tư, xây dựng sản phẩm và quản lý danh mục cho khách hàng. Việc tích hợp ESG vào các dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường giúp công ty tài chính – chứng khoán gia tăng uy tín, thu hút dòng vốn dài hạn, đặc biệt từ các nhà đầu tư có tiêu chí lựa chọn khắt khe.

Áp lực từ thị trường và nhà đầu tư đối với ESG đang ngày càng rõ nét. Một minh chứng tiêu biểu là chỉ số phát triển bền vững VNSI – do HOSE phối hợp với GIZ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng – nhằm đánh giá mức độ thực hành ESG của các doanh nghiệp niêm yết. Tính đến tháng 4/2024, VNSI đạt 1.988,54 điểm, tăng 97,8% so với thời điểm khởi tạo, với 20 doanh nghiệp trong danh mục chiếm hơn 35,8% tổng vốn hóa thị trường. Việc được đưa vào VNSI không chỉ phản ánh mức độ cam kết ESG mà còn trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp, trong đó có các công ty chứng khoán, nâng cao minh bạch thông tin và thực hành quản trị bền vững.

2. Thực trạng cam kết và triển khai ESG tại các công ty tài chính – chứng khoán Việt Nam

Năm 2024 có khoảng 28% doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có khả năng theo dõi chỉ số ESG một cách toàn diện, trong khi có đến 70% thiếu dữ liệu và công cụ cần thiết để lập báo cáo ESG minh bạch. Những con số trên cho thấy năng lực đo lường và quản trị ESG vẫn là thách thức lớn, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Khía cạnh Môi trường (E)

Trong trụ cột môi trường (E) của ESG, VPS là một trong những công ty chứng khoán tiên phong tích cực triển khai các sáng kiến thực tiễn nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên và thúc đẩy lối sống bền vững. Thông qua chiến dịch “Dear Future: Gửi tới tương lai, chung tay tạo hạnh phúc”, VPS không chỉ tuyên truyền mà còn hành động cụ thể với điểm nhấn là chương trình “Green Legacy” – hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng 1.100 cây rừng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Hoạt động này góp phần tái tạo hệ sinh thái rừng và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng. Bên cạnh đó, chương trình nội bộ “Green Walk To Work” được triển khai nhằm khuyến khích cán bộ nhân viên sử dụng phương tiện xanh khi đi làm, qua đó giảm phát thải và xây dựng văn hóa doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Khía cạnh Xã hội (S)

Trách nhiệm xã hội ngày càng được các công ty tài chính – chứng khoán tại Việt Nam chú trọng, với ngân sách trung bình từ 5-10 tỷ đồng mỗi năm, theo nghiên cứu và khảo sát của Viet Research. Tiêu biểu, trong năm 2023, FE Credit đã triển khai 13 chương trình CSR, tập trung vào hỗ trợ giáo dục, xây dựng nhà tình nghĩa và trao quà Tết cho hộ nghèo. Nhân kỷ niệm 14 năm thành lập vào 2024, công ty tiếp tục đầu tư vào các hoạt động cộng đồng, tiêu biểu là chương trình học bổng “Cặp lá yêu thương” giúp trẻ em nghèo hiếu học có cơ hội đến trường.

Khía cạnh Quản trị (G)

Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát được Viet Research thực hiện mới đây, tỷ lệ thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị các công ty chứng khoán Việt Nam hiện đạt khoảng trên 20%, cho thấy một bước tiến tích cực trong việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Con số này tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, phản ánh nỗ lực tăng cường minh bạch, giám sát và bảo vệ quyền lợi cổ đông trong bối cảnh ESG ngày càng trở thành tiêu chuẩn phổ quát. Việc gia tăng sự hiện diện của thành viên độc lập không chỉ giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro hiệu quả hơn mà còn tạo lòng tin cho nhà đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh khi ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu.

3. Thách thức trong triển khai ESG

Mặc dù các công ty tài chính – chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu thể hiện cam kết đối với ESG, quá trình triển khai thực tế vẫn gặp nhiều rào cản, bao gồm cả hạn chế từ nội tại doanh nghiệp và ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Những thách thức này không chỉ làm chậm tiến trình tích hợp ESG mà còn làm gia tăng sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp dựa trên quy mô. Cũng theo kết quả khảo sát Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – ngành Tài chính – Chứng khoán của Viet Research, có 06 thách thức chính trong việc triển khai ESG một cách hiệu quả. Các rào cản bao gồm: Thiếu kiến thức và năng lực triển khai, chi phí thực hiện cao, khung pháp lý chưa đầy đủ và thiếu chế tài mạnh mẽ, áp lực thị trường, thiếu nguồn dữ liệu và thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan. Những yếu tố này cho thấy ESG không chỉ là vấn đề chiến lược, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện về nguồn lực, hệ thống và nhận thức trong toàn chuỗi giá trị ngành Tài chính – Chứng khoán.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (https://esg10.vn/)

Thiếu kiến thức và năng lực triển khai

Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hiểu biết về ESG, đặc biệt ở các công ty tài chính – chứng khoán vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp khó khăn ngay từ bước đầu triển khai ESG do thiếu đội ngũ chuyên môn và không có tài liệu hướng dẫn cụ thể. Hạn chế về năng lực này không chỉ xảy ra ở cấp quản lý mà còn lan rộng đến đội ngũ nhân viên, dẫn đến việc thực hiện ESG mang tính hình thức. Nhiều công ty chỉ dừng lại ở việc công bố cam kết mà không có kế hoạch hoặc hành động cụ thể để thực hiện.

Chi phí đầu tư ban đầu và áp lực tài chính

Triển khai ESG đòi hỏi nguồn vốn đáng kể, từ việc đầu tư vào công nghệ đo lường phát thải, xây dựng hệ thống báo cáo minh bạch, đến đào tạo nhân sự và phát triển sản phẩm đầu tư xanh. Đối với các công ty tài chính – chứng khoán lớn, đây là khoản đầu tư chiến lược, nhưng với các công ty nhỏ, nó lại là gánh nặng tài chính khó vượt qua. Thực tế, nhiều công ty chứng khoán Việt Nam, đặc biệt sau giai đoạn thị trường biến động mạnh năm 2022-2023, vẫn ưu tiên tối ưu hóa lợi nhuận ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn vào ESG. Một trong những lý do chính là khả năng tài chính hạn chế, đặc biệt đối với các công ty chứng khoán nhỏ. Trong khi đó, mặc dù các ngân hàng đã triển khai các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, từ 7 – 9%/năm, nhưng mức lãi suất này vẫn có thể được coi là cao đối với các công ty chứng khoán nhỏ có biên lợi nhuận thấp.

Khung pháp lý chưa đầy đủ và thiếu chế tài mạnh mẽ

So với các thị trường tài chính phát triển như Mỹ hay EU, khung pháp lý về ESG tại Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ và mang tính khuyến khích hơn là bắt buộc. Hiện tại, Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, yêu cầu các công ty đại chúng công bố kết quả thực hiện ESG trong báo cáo thường niên. Tuy nhiên, thông tư này không quy định cụ thể về nội dung hay tiêu chuẩn ESG, dẫn đến tình trạng báo cáo thiếu nhất quán. Trong khi đó, EU áp dụng Chỉ thị CSRD từ 2024, bắt buộc doanh nghiệp công bố tác động ESG, với chế tài nghiêm ngặt nếu không tuân thủ. Việc thiếu chế tài mạnh mẽ tại Việt Nam khiến nhiều công ty tài chính – chứng khoán, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa thực sự ưu tiên triển khai ESG một cách bài bản.

Áp lực từ thị trường và nhận thức nhà đầu tư

Thị trường tài chính – chứng khoán Việt Nam vẫn chịu chi phối lớn bởi tâm lý đầu tư ngắn hạn. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam. Nhà đầu tư cá nhân thường ưu tiên lợi nhuận nhanh chóng hơn là các yếu tố bền vững như ESG. Chính điều này tạo ra rào cản lớn cho các công ty tài chính – chứng khoán trong việc phát triển các sản phẩm tài chính gắn với ESG, do nhu cầu từ thị trường hiện tại còn hạn chế và chưa đủ lực để thúc đẩy sự thay đổi toàn diện.

Thiếu nguồn dữ liệu và công cụ đo lường ESG

Ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam hiện vẫn thiếu các công cụ và dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá hiệu quả ESG, đặc biệt trong vai trò tư vấn đầu tư. Dữ liệu ESG còn rời rạc, thiếu chuẩn hóa và minh bạch, trong khi các phương pháp đánh giá chủ yếu mang tính định tính và chưa phù hợp với đặc thù thị trường trong nước. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, những tổ chức tài chính lớn như BlackRock, Vanguard hay Morgan Stanley đã tích hợp ESG vào chiến lược đầu tư cốt lõi, dựa trên hệ thống dữ liệu và xếp hạng chuyên sâu từ các nền tảng như MSCI ESG Ratings hay Bloomberg ESG. Sự chênh lệch về công cụ và hệ thống đánh giá đang tạo ra khoảng cách lớn, khiến thị trường Việt Nam gặp nhiều bất lợi trong việc thu hút dòng vốn quốc tế và bắt kịp xu hướng đầu tư bền vững toàn cầu.

Thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan

Cuối cùng, việc thiếu cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, công ty tài chính – chứng khoán và các tổ chức hỗ trợ đang là rào cản lớn trong triển khai ESG tại Việt Nam. Mặc dù đã có một số chính sách khuyến khích, nhưng do thiếu khung hướng dẫn chung nên các sáng kiến ESG vẫn mang tính rời rạc và tự phát. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Japan Exchange Group (JPX) đóng vai trò trung tâm điều phối, ban hành bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp và phát triển các chỉ số ESG, giúp kết nối hiệu quả các bên liên quan và thúc đẩy ESG một cách toàn diện.

4. Xu hướng triển khai cam kết và thực hiện ESG trong các công ty tài chính – chứng khoán

Trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn từ nhà đầu tư, cơ quan quản lý và xu hướng toàn cầu hóa, ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ nét từ cam kết sang hành động trong thực hiện ESG. Những xu hướng này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong tư duy quản trị, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút dòng vốn một cách bền vững.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (https://esg10.vn/)

Phát triển sản phẩm đầu tư ESG

Các doanh nghiệp trong ngành Tài chính – Chứng khoán tại Việt Nam đang tích cực mở rộng danh mục sản phẩm đầu tư theo tiêu chí ESG nhằm bắt kịp xu hướng phát triển bền vững. Nhiều công ty chứng khoán đã triển khai các quỹ đầu tư ESG và phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, các chiến dịch tài chính toàn diện cũng đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng tài chính có trách nhiệm, phổ biến kỹ năng sử dụng công cụ số trong quản lý chi tiêu và thanh toán, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính bền vững trong tương lai.

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và tư vấn ESG

VPS và SSI hiện là hai trong số những công ty chứng khoán đầu tư mạnh mẽ nhất vào phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp VPS và SSI giữ vững vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới, mà còn nâng cao năng lực vận hành, cải tiến hệ sinh thái dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm đầu tư cho khách hàng. Việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong tư vấn đầu tư, quản trị rủi ro và phân tích dữ liệu cũng cho thấy tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong bối cảnh thị trường tài chính đang ngày càng ưu tiên tính minh bạch, hiệu quả và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.

Tăng cường minh bạch và báo cáo ESG

Home Credit đã khẳng định cam kết vững chắc với con đường phát triển bền vững thông qua việc công bố Báo cáo Phát triển Bền vững hằng năm, tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) và phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Hợp tác với các tổ chức quốc tế

​Hợp tác quốc tế đang trở thành xu hướng để nâng cao năng lực ESG. Tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) từ năm 2012 để thúc đẩy phát triển bền vững trong thị trường chứng khoán. Cụ thể, UBCKNN và IFC đã ra mắt cuốn “Hướng dẫn báo cáo bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam” nhằm hỗ trợ các công ty niêm yết cải thiện công bố thông tin liên quan đến ESG. ​ Tiếp nối nỗ lực này, tháng 10/2024, UBCKNN phối hợp với Chương trình UK PACT của Chính phủ Anh giới thiệu “Sổ tay về triển khai và công bố thông tin ESG”, cung cấp hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tích hợp ESG vào quản trị và hoạt động kinh doanh, qua đó tiệm cận các chuẩn mực quốc tế và nâng cao năng lực thu hút vốn đầu tư bền vững.

Đào tạo và nâng cao nhận thức về ESG

Nâng cao nhận thức về ESG cho nhân viên và khách hàng không chỉ là một lựa chọn, mà đang trở thành xu thế tất yếu trong ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở thành tiêu chuẩn đánh giá năng lực doanh nghiệp, hoạt động đào tạo ESG được xem như nền tảng cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức và hành động từ bên trong tổ chức. Theo khảo sát của Viet Research năm 2024, gần 60% các công ty tài chính – chứng khoán tại Việt Nam đã chủ động triển khai các chương trình đào tạo nội bộ hoặc phổ cập kiến thức ESG cho đội ngũ nhân sự.

Tích hợp ESG vào quản trị rủi ro

Tích hợp ESG vào quản trị rủi ro đang trở thành xu hướng để giảm thiểu tác động từ biến động thị trường và quy định pháp lý. Chứng khoán Vietcap đã tích hợp yếu tố ESG vào hệ thống quản trị rủi ro một cách bài bản, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000. Hệ thống này không chỉ đảm bảo giám sát chặt chẽ bởi Ban Kiểm soát và Ban Điều hành, mà còn mở rộng đánh giá rủi ro sang các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Vietcap xây dựng chính sách và hạn mức rủi ro riêng cho từng mảng hoạt động, đồng thời cập nhật định kỳ để phản ánh các thách thức mới, trong đó có các rủi ro phát sinh từ biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững. Việc tích hợp ESG vào quản trị rủi ro cho thấy định hướng chiến lược dài hạn và cam kết xây dựng một mô hình tài chính trách nhiệm.

Thực trạng cam kết và triển khai ESG trong ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng tích cực, dù vẫn còn sự phân hóa rõ nét. Tuy nhiên, chính khoảng cách này lại mở ra cơ hội để toàn ngành nhìn nhận lại vị thế và xây dựng lộ trình phát triển bền vững phù hợp với năng lực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và áp lực từ nhà đầu tư ngày càng tăng, ESG không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để ngành Tài chính – Chứng khoán Việt Nam tái định vị chiến lược phát triển. Đây có thể là một cuộc chơi bắt đầu muộn, nhưng với nền tảng thị trường đang mở rộng, sự học hỏi nhanh từ quốc tế và nhu cầu đầu tư bền vững gia tăng, việc đón đầu xu hướng ESG sẽ giúp các công ty tài chính – chứng khoán tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn và nâng tầm uy tín trên bản đồ tài chính khu vực.

Lễ Công bố và Vinh danh Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Tài chính – Chứng khoán (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Leave A Comment