THÔNG CÁO BÁO CHÍ
CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp Vật liệu xây dựng tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.
ESG10 ngành Vật liệu xây dựng được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp Vật liệu xây dựng Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.
Bảng 1: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng – Nhóm Vật liệu xây dựng cơ bản

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Bảng 2: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng – Nhóm Vật liệu xây dựng hoàn thiện

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Bảng 3: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng – Nhóm Nội thất

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) là xương sống của ngành Xây dựng, đồng thời là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên lớn nhất và góp phần đáng kể vào phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Với đặc thù tiêu thụ năng lượng lớn, sử dụng nguyên liệu khoáng sản không tái tạo, và phát thải khí nhà kính cao, việc triển khai các tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) không chỉ là xu thế mà là điều kiện sống còn để ngành này phát triển bền vững, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như Net Zero vào năm 2050.
Theo số liệu kiểm kê của Bộ Xây dựng, tổng phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất VLXD đã tăng mạnh từ 59,91 triệu tấn CO₂ tương đương năm 2014 lên 101,89 triệu tấn CO₂ tương đương năm 2022. Đây là hồi chuông cảnh báo rõ ràng cho ngành cần hành động ngay để giảm thiểu tác động môi trường.
Việc cam kết và triển khai ESG không chỉ giúp các công ty VLXD đáp ứng các yêu cầu bền vững trong nước và quốc tế mà còn mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và chiến lược dài hạn. Khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam xanh ngành Vật liệu Xây dựng cho thấy có việc thực hiện ESG mang lại 05 lợi ích cho các doanh nghiệp VLXD Việt Nam.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Với áp lực từ chính sách, thị trường và xã hội ngày càng gia tăng, các công ty VLXD như Vicem hay Viglacera đã chứng minh rằng ESG là con đường tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để lan tỏa lợi ích này đến toàn ngành, cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa.
Dù được nhìn nhận là xu hướng tất yếu của phát triển bền vững, việc triển khai ESG vẫn còn gặp nhiều rào cản trên thực tế, đặc biệt là trong ngành VLXD – nơi quá trình chuyển đổi đang diễn ra chậm hơn so với nhiều lĩnh vực khác, nguyên nhân không chỉ nằm ở yếu tố chi phí hay kỹ thuật, mà còn đến từ sự thiếu hụt nhận thức đầy đủ về giá trị dài hạn mà ESG mang lại. Khi doanh nghiệp hiểu và xem ESG như một phần thiết yếu trong chiến lược vận hành, thay vì một yêu cầu bên ngoài, thì việc chuyển đổi mới có thể thực sự hiệu quả và bền vững.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng ESG như lợi thế cạnh tranh, nhưng nhiều đơn vị khác vẫn tiếp cận rời rạc, thiếu thống nhất, dẫn đến mỗi doanh nghiệp “đi một con đường riêng” mà chưa có hệ quy chiếu chung. Việc thiếu tiêu chuẩn chung cho ngành, cũng như chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh, càng khiến hành trình ESG trở nên gập ghềnh.
Tương lai của VLXD: Xanh hóa, số hóa và vươn ra toàn cầu nhờ ESG
Các xu hướng triển khai ESG trong ngành VLXD phản ánh sự chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững, được thúc đẩy bởi chính sách (Net Zero), thị trường (công trình xanh), và công nghệ (số hóa, carbon thấp). Tại Việt Nam, các công ty lớn như Hòa Phát đang tiên phong, nhưng cần lan tỏa đến các doanh nghiệp nhỏ thông qua hỗ trợ tài chính và nâng cao nhận thức.
Một trong những xu hướng mạnh mẽ nhất là đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và khai thác tài nguyên hiệu quả hơn. Theo khảo sát của Viet Research, khoảng 63% doanh nghiệp VLXD ghi nhận tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 25% trong tổng tiêu thụ năng lượng của nhà máy. Đáng chú ý, 25% doanh nghiệp đã đạt mức trên 50%, cho thấy xu hướng chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành.
Nhiều doanh nghiệp xi măng và thép đã chuyển sang Sử dụng lò điện cảm ứng, thay thế lò cao truyền thống trong ngành thép để giảm phát thải CO₂ (như trường hợp của VAS Nghi Sơn). Đồng xử lý chất thải trong lò nung clinker để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch, như mô hình của INSEE Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang vật liệu thân thiện môi trường như gạch không nung, tấm panel nhẹ, xi măng ít clinker, bê tông tái chế… Theo khảo sát của Viet Research, 63% doanh nghiệp cho biết nguyên liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hiện chiếm trung bình khoảng 25% trong tổng nguyên liệu sử dụng, cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ nét sang mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Một số công ty đang tích cực đầu tư vào vật liệu tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp như tro bay, xỉ lò cao trong sản xuất VLXD. Tiêu biểu, Vicostone đã phát triển sản phẩm đá thạch anh BQ7405 đạt chứng nhận Cradle to Cradle (C2C) – tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường. Sản phẩm này hiện đã được ứng dụng trong các công trình ký túc xá tại Mỹ và Canada, thể hiện cam kết mạnh mẽ của doanh nghiệp trong việc phát triển vật liệu bền vững gắn với trách nhiệm môi trường.
Ngoài ra, xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh và bền vững đang định hình lại ngành VLXD toàn cầu và Việt Nam. Tại Việt Nam, những tiến bộ ban đầu như việc sử dụng gạch không nung hay xi măng tái chế cho thấy tín hiệu tích cực. Trong đó, STP Group là một trong những doanh nghiệp tiên phong khi cung cấp các sản phẩm vật liệu xanh như ống nhựa HDPE, góp phần xây dựng hệ sinh thái xây dựng an toàn, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng toàn cầu, ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư cao, hạn chế về công nghệ và nhận thức xã hội chưa đồng đều. Với sự hỗ trợ từ chính sách, vốn xanh và đổi mới công nghệ, vật liệu xanh sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy ngành VLXD bền vững trong thập kỷ tới.
Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Vật liệu xây dựng (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng. |