CÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAMCÔNG TY CP NGHIÊN CỨU KINH DOANH VIỆT NAM
0889.514.365 (hotline)
E-mail hỗ trợ
47-49A Lê Văn Hưu, Hà Nội

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH XÂY DỰNG

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH XÂY DỰNG

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Xây dựng và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.

Bảng 1: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Xây dựng – Nhóm Tổng thầu xây dựng

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)

Bảng 2: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Xây dựng – Nhóm Nhà phát triển hạ tầng và xây lắp điện, viễn thông

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)

1. Toàn cảnh thực thi ESG trong ngành Xây dựng Việt Nam: Khi các nhà thầu bước vào cuộc chơi bền vững

Ngành Xây dựng Việt Nam, một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên lớn và đóng góp đáng kể vào lượng phát thải khí nhà kính, đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26 (2021) và COP27 (2022), đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Điều này tạo động lực cho các doanh nghiệp, bao gồm các nhà thầu xây dựng, phải điều chỉnh chiến lược theo hướng tích hợp ESG. Tuy nhiên, mức độ cam kết và triển khai ESG của các nhà thầu vẫn còn nhiều hạn chế và khác biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp.

Trong khía cạnh môi trường (E) trong ESG được xem là thách thức lớn nhất đối với ngành Xây dựng Việt Nam, đặc biệt là các nhà thầu. Bởi lẽ, xây dựng là một trong những ngành có mức phát thải khí nhà kính và tiêu thụ tài nguyên lớn nhất. Theo số liệu kiểm kê của Bộ Xây dựng, riêng lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đã phát thải tới 101,89 triệu tấn CO₂ tương đương trong năm 2022, gần gấp đôi so với năm 2014.

Trước thực trạng này, một số nhà thầu lớn tại Việt Nam đã bắt đầu cam kết giảm phát thải và triển khai các giải pháp môi trường cụ thể.

Coteccons, Central Cons là những đơn vị tiên phong ứng dụng vật liệu tái chế, công nghệ thi công tiết kiệm năng lượng và cải tiến quản lý chất thải tại công trường. Coteccons là một ví dụ tiêu biểu khi hợp tác với FiCO Pan-United để ứng dụng bê tông bền vững và công nghệ in 3D trong xây dựng. Dự án thí điểm tại The Infiniti (Riviera Point) sẽ là công trình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng bê tông khoáng hóa CO₂ (CMC), dự kiến giúp giảm 2.803 tấn carbon – tương đương lượng hấp thụ của hơn 46.000 cây xanh trong 10 năm. Trong khi đó, Central Cons ứng dụng công nghệ BIM trong thiết kế và thi công, giúp tối ưu vật liệu, giảm lãng phí và tiết kiệm năng lượng. Một số nhà thầu còn tích hợp tiêu chuẩn công trình xanh như LEED, LOTUS vào các dự án lớn, hướng tới việc giảm dấu chân carbon trong suốt vòng đời công trình.

Tuy nhiên, đa số các nhà thầu vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận tiêu chí môi trường trong ESG do thiếu nguồn lực, công nghệ và kiến thức chuyên môn. Việc sử dụng vật liệu truyền thống, lãng phí năng lượng và chưa có hệ thống kiểm soát phát thải vẫn phổ biến.

Về khía cạnh xã hội (S), đây là khía cạnh được các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam quan tâm và triển khai rõ nét nhất trong những năm gần đây. Điều này xuất phát từ đặc thù ngành Xây dựng có lực lượng lao động đông đảo, thường xuyên làm việc trong môi trường nguy hiểm, và chịu nhiều áp lực về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp cũng như điều kiện sinh hoạt tại công trường.

Nhiều nhà thầu lớn đã có bước tiến trong xây dựng hệ thống quản lý an toàn lao động (HSE), tổ chức huấn luyện định kỳ cho công nhân, đầu tư vào thiết bị bảo hộ hiện đại và cải thiện điều kiện sinh hoạt tại công trường. Theo khảo sát của Viet Research, trung bình khoảng 25% công nhân trong các doanh nghiệp xây dựng được tham gia đào tạo an toàn lao động hằng năm.

Ngoài ra, một số nhà thầu còn chú trọng đến chính sách nhân sự như hợp đồng lao động minh bạch, đóng bảo hiểm đầy đủ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và có kênh phản ánh cho người lao động. Các sáng kiến như “công trường không tai nạn”, “góc sinh hoạt cộng đồng” hay “ngày an toàn lao động” cũng dần trở thành thông lệ trong các dự án lớn. Tiêu biểu, SOL E&C triển khai gói khám sức khỏe toàn diện giúp nhân viên theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thực hiện trụ cột “S” trong ESG vẫn còn manh mún, mang tính đối phó hơn là chiến lược dài hạn. Để thay đổi, cần có cơ chế giám sát, xếp hạng công khai về trách nhiệm xã hội, cũng như tích hợp tiêu chí xã hội trong đấu thầu và xét chọn nhà thầu các công trình công.

Khía cạnh quản trị (G) trong ESG đóng vai trò nền tảng để doanh nghiệp xây dựng phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững. Theo khảo sát của Viet Research, 60% doanh nghiệp xây dựng đã thành lập ủy ban chuyên trách ESG trong hội đồng quản trị, nhưng chỉ 20% có báo cáo được kiểm toán độc lập. Điều này cho thấy việc cam kết ESG ở cấp chiến lược đã được hình thành, nhưng vẫn còn thiếu các cơ chế giám sát và minh bạch thông tin.

Hiện nay, chỉ một số ít nhà thầu lớn đã tích hợp báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn GRI hoặc đang thử nghiệm báo cáo ESG độc lập như một phần trong chiến lược thu hút vốn và đối tác quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các nhà thầu vừa và nhỏ vẫn vận hành theo mô hình quản lý truyền thống, người đứng đầu vừa là chủ đầu tư, giám đốc điều hành và trực tiếp điều phối công trường.

Trong bối cảnh ESG ngày càng trở thành tiêu chí sàng lọc quan trọng của các nhà đầu tư và đối tác quốc tế, việc xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, có trách nhiệm và hướng tới lợi ích dài hạn cần được các nhà thầu xem là ưu tiên chiến lược, không thể trì hoãn.

2. Những rào cản trên hành trình ESG: Góc nhìn từ thực tiễn của các nhà thầu xây dựng

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)

Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực triển khai ESG, song thực tế cho thấy họ vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Kết quả khảo sát các doanh nghiệp xây dựng của Viet Research trong Top 10 Doanh nghiệp ESG – Việt Nam Xanh ngành Xây dựng cho biết rào cản đầu tiên chi phí đầu tư cho các tiêu chuẩn ESG vẫn còn cao, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang chịu nhiều sức ép. Việc chuyển đổi sang sử dụng vật liệu xây dựng xanh, ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, hay thực hiện báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế đều đòi hỏi nguồn lực lớn. Trong khi đó, biên lợi nhuận ngành Xây dựng vốn đã thấp và cạnh tranh về giá trong đấu thầu rất khốc liệt. Tuy nhiên, ESG không thể được nhìn nhận như một khoản đầu tư ngắn hạn. Việc xây dựng chiến lược ESG bài bản đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, ít nhất từ 3 đến 5 năm, mới có thể tạo ra giá trị bền vững và khác biệt cạnh tranh rõ rệt.

Khó khăn thứ hai là vấn đề nguồn lực. Mặc dù ESG không phải là khái niệm mới trên thế giới, nhưng với nhiều doanh nghiệp trong nước, đây vẫn là một lĩnh vực còn khá xa lạ. Việc thiếu đội ngũ nhân sự có hiểu biết bài bản về ESG khiến doanh nghiệp buộc phải thuê tư vấn bên ngoài – điều không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện và văn hóa doanh nghiệp Việt. Nhiều nhà thầu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có bộ phận chuyên trách ESG, chưa hiểu rõ ESG là gì, càng chưa thể xây dựng chiến lược hành động cụ thể. ESG thường bị hiểu nhầm là “việc của bộ phận nhân sự” hoặc “trách nhiệm của chủ đầu tư”, dẫn đến triển khai hình thức, thiếu chiều sâu.

Rào cản thứ ba đến từ tư duy tổ chức. Dù nhiều công ty đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường hay an toàn lao động ISO 45001, nhưng các hệ thống này thường hoạt động rời rạc. Việc thiếu sự tích hợp và phối hợp giữa các bộ phận nội bộ khiến ESG – vốn đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành và toàn diện – trở nên khó triển khai một cách hiệu quả. Ngoài ra, hiện tại Việt Nam chưa có bộ tiêu chí ESG đặc thù cho lĩnh vực xây dựng, cũng như chưa tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chấm điểm đấu thầu công hay ưu đãi thuế. Điều này khiến các doanh nghiệp tiên phong chưa thấy rõ lợi thế cạnh tranh khi đầu tư vào ESG.

Những thách thức này cho thấy việc triển khai ESG trong ngành Xây dựng không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp, mà cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ từ Nhà nước, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và sự đồng hành từ các chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Xây dựng (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng.

Leave A Comment