THÔNG CÁO BÁO CHÍ
CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH NĂNG LƯỢNG – DẦU KHÍ
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Năng lượng – Dầu khí (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp năng lượng, dầu khí tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.
ESG10 ngành Năng lượng – Dầu khí được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Năng lượng – Dầu khí và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
1. Bối cảnh chuyển dịch năng lượng và thách thức đối với ngành Năng lượng – Dầu khí Việt Nam
Ngành Năng lượng – Dầu khí từ lâu đã giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn vào GDP, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, sự dịch chuyển toàn cầu sang các mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang đặt ngành này trước áp lực thay đổi sâu sắc. Cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đưa ra tại COP26 không chỉ là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ mà còn đặt ra yêu cầu rõ ràng về tái cấu trúc hệ sinh thái năng lượng trong nước.
Thách thức này càng lớn khi nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng tăng nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa mở rộng năng lượng để đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất, đồng thời phải giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống. Trong bối cảnh đó, việc tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào chiến lược phát triển của ngành Năng lượng – Dầu khí trở thành một yêu cầu cấp thiết.
2. Vai trò của ESG trong chuyển đổi năng lượng và sự dịch chuyển chiến lược tại Việt Nam
ESG không chỉ là bộ tiêu chí đánh giá rủi ro phi tài chính, mà còn là động lực cho tăng trưởng dài hạn và bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện năng, bao gồm điện gió, điện mặt trời và thủy điện, song song với giảm dần sự phụ thuộc vào than đá. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần huy động các nguồn lực tài chính, công nghệ và quản trị, trong đó ESG là công cụ trọng yếu để thu hút đầu tư quốc tế. ESG có thể trở thành chất xúc tác quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam xanh 2025 – Ngành Năng lượng – Dầu khí cho thấy có 3 lợi ích chính khi cam kết và thực thi ESG trong ngành.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Trước hết, ESG định hướng dòng vốn vào các dự án năng lượng sạch, giúp thúc đẩy phát triển điện mặt trời, điện gió và các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Việc ưu tiên các dự án có yếu tố ESG rõ ràng không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu khí hậu, mà còn làm gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh và tài chính ưu đãi từ các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, ESG mang lại giá trị gia tăng về mặt xã hội thông qua việc đảm bảo các dự án năng lượng tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng: tạo việc làm bền vững, nâng cao kỹ năng lao động địa phương, hỗ trợ sinh kế và cải thiện cơ sở hạ tầng vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, ESG góp phần củng cố năng lực quản trị và tính minh bạch trong hệ thống doanh nghiệp năng lượng – điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và duy trì sự phát triển ổn định, dài hạn.
Như vậy, ESG không chỉ là một khung tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội, mà còn là đòn bẩy chiến lược cho ngành Năng lượng – Dầu khí Việt Nam chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.
3. Từ chiến lược đến hành động: Cam kết ESG bước đầu của các doanh nghiệp chủ lực
Các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), PV GAS, hay BSR đã có những động thái cụ thể nhằm tích hợp ESG vào định hướng chiến lược và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tích hợp ESG vào chiến lược phát triển: PVN đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ESG được coi là một trong những trụ cột chính. Trọng tâm là giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, LNG và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Công bố báo cáo phát triển bền vững: Một số đơn vị thành viên của PVN như PV GAS và BSR đã chủ động công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập theo các chuẩn mực quốc tế như GRI Standards. Đây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng tiếp cận các nguồn vốn ESG quốc tế.
Ứng dụng công nghệ giảm phát thải: Giai đoạn 2023-2025, BSR kiểm kê khí nhà kính và xây dựng, thẩm định kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính đến năm 2030 cho NMLD Dung Quất. Đồng thời thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của BSR, đề xuất phương án trồng rừng và đăng ký chương trình theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
3. Triển khai ESG: Bức tranh phân hóa theo từng trụ cột
3.1. Môi trường (Environmental)
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí đã đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ và quy trình quản lý môi trường. Hệ thống giám sát khí thải tự động, xử lý nước thải công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại là các giải pháp đang được ứng dụng tại nhiều nhà máy lọc dầu và điểm khai thác.
Đáng chú ý, PV GAS đã thử nghiệm việc chuyển đổi vận hành sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn và đang từng bước mở rộng chuỗi cung ứng LNG tại Việt Nam. Trong khi đó, Petrolimex tiên phong thúc đẩy phân phối và tư vấn sử dụng các sản phẩm xăng dầu thân thiện với môi trường như Xăng E5, Ron 95-V và Dầu DO-V. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong tiến trình phi carbon hóa ngành năng lượng.
3.2. Xã hội (Social)
Truyền thống thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của ngành Năng lượng – Dầu khí được duy trì và mở rộng. Các doanh nghiệp thường xuyên triển khai chương trình an sinh tại các địa phương có hoạt động khai thác như Quảng Ngãi, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc tích hợp yếu tố xã hội theo chuẩn ESG quốc tế còn hạn chế.
Các tiêu chí như đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo, tiêu chuẩn lao động xanh, và chính sách bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OHS) hiện chưa được thực thi đồng bộ. Việc thiếu các bộ chỉ số đo lường định lượng trong lĩnh vực xã hội cũng là rào cản cho việc đánh giá và cải thiện liên tục.
3.3. Quản trị (Governance)
Một số doanh nghiệp niêm yết đã chủ động cải tiến mô hình quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như OECD. Các biện pháp bao gồm thiết lập Hội đồng quản trị độc lập, tăng cường công bố thông tin tài chính và phi tài chính, xây dựng bộ phận ESG chuyên trách. Trong khi đó, PV Drilling xem quản trị doanh nghiệp là nền tảng cốt lõi, phát triển hệ thống quản trị hiện đại dựa trên công nghệ thông tin và các chuẩn mực quốc tế như Oracle ERP, Maximo, RCM, ERM, đồng thời tiên phong áp dụng mô hình quản trị rủi ro “ba lớp phòng thủ” để đảm bảo vận hành hiệu quả, minh bạch.
4. Thách thức trong hành trình ESG của ngành Năng lượng – Dầu khí
Khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam xanh 2025 – Ngành Năng lượng – Dầu khí cho thấy bên cạnh những lợi ích, các doanh nghiệp năng lượng, dầu khí đang đổi mặt với 3 thách thức chính khi cam kết và thực thi.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Chi phí chuyển đổi cao: Việc đầu tư vào công nghệ xanh, thu hồi và lưu trữ carbon, hay phát triển năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn lớn. Trong khi đó, giá dầu và khí luôn biến động, ảnh hưởng đến khả năng duy trì các khoản đầu tư dài hạn cho ESG.
Thiếu chuẩn hóa ESG trong ngành: Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chí ESG riêng phù hợp với đặc thù của ngành năng lượng – dầu khí. Các doanh nghiệp chủ yếu tham khảo khung GRI, SASB hoặc tiêu chuẩn của nhà đầu tư, khiến việc đo lường và so sánh hiệu quả ESG trở nên không nhất quán.
Thiếu nguồn nhân lực và năng lực triển khai: Đa số doanh nghiệp chưa có đội ngũ chuyên trách ESG hoặc còn lúng túng trong việc tích hợp ESG vào hệ thống quản trị và vận hành. Việc thiếu chuyên gia, thiếu đào tạo bài bản và thiếu nền tảng dữ liệu ESG đang là điểm yếu phổ biến.
5. Cơ hội trong tương lai: ESG như một lợi thế cạnh tranh chiến lược
Mặc dù còn nhiều rào cản, quá trình chuyển đổi ESG cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành dầu khí Việt Nam nếu biết tận dụng đúng thời điểm và xu thế.
Tiếp cận vốn xanh và thị trường quốc tế: Các doanh nghiệp có điểm ESG tốt sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các quỹ đầu tư bền vững, các định chế tài chính phát triển (IFC, ADB, WB…). Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh vốn ngày càng khốc liệt.
Tham gia chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu: Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng LNG, hydrogen xanh và dịch vụ chuyển đổi năng lượng. Doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nếu thực hiện tốt ESG có thể đóng vai trò ngày càng lớn trong các dự án liên kết khu vực và toàn cầu.
Nâng cao uy tín thương hiệu và thu hút nhà đầu tư: Thực hành ESG không chỉ cải thiện hình ảnh doanh nghiệp mà còn là công cụ hiệu quả để thu hút nhân tài, đối tác và khách hàng chiến lược. ESG sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong định vị thương hiệu của các tập đoàn năng lượng hiện đại.
Việc thúc đẩy ESG trong ngành Năng lượng – Dầu khí không đơn thuần là đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư hay cơ quan quản lý, mà còn là chiến lược thích ứng bắt buộc để tồn tại và phát triển trong một thế giới đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế carbon thấp. Với những bước đi ban đầu khá rõ nét từ các doanh nghiệp lớn, cùng với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, ESG hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy ngành Năng lượng – Dầu khí Việt Nam tái cấu trúc thành công, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Năng lượng – Dầu khí (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit – 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng. |