THÔNG CÁO BÁO CHÍ
CÔNG BỐ TOP 10 DOANH NGHIỆP ESG VIỆT NAM XANH 2025 – NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN
Bức tranh ESG của bất động sản Việt Nam: Tiên phong và khoảng trống
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản (ESG10 – 2025). Đây là những doanh nghiệp Bất động sản tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: (1) Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; (2) Các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.
ESG10 ngành Bất động sản được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.
Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình www.esg10.vn.
Bảng 1: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản – Nhóm Nhà phát triển bất động sản

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Bảng 2: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản – Nhóm Bất động sản khu công nghiệp

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, các tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (Environmental, Social, and Governance – ESG) đang dần trở thành thước đo quan trọng đánh giá tính bền vững và giá trị dài hạn của doanh nghiệp. Ngành Bất động sản, vốn có tác động lớn đến môi trường và xã hội, đang đứng trước áp lực phải chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, đặc biệt khi Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
1. ESG – Chìa khóa mở ra lợi thế cạnh tranh và tương lai bền vững cho bất động sản Việt Nam.
Khảo sát từ các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản của Viet Research cho thấy việc đưa ra các cam kết và thực hiện ESG mang lại 04 lợi ích chính trong đó điển hình là giúp doanh nghiệp Bất động sản tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và nâng cao hình ảnh thương hiệu Bất động sản Việt Nam trên thị trường.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
Tác động đến hiệu quả kinh doanh và khả năng tiếp cận vốn
ESG ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược đầu tư của các định chế tài chính toàn cầu. Theo báo cáo của Global Sustainable Investment Alliance (GSIA), tính đến tháng 11 năm 2022, tổng tài sản đầu tư bền vững trên toàn cầu đã đạt 30,3 nghìn tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020 và chiếm 36% tổng tài sản được quản lý trên toàn cầu.
Với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, ESG mở ra cơ hội tiếp cận vốn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo khảo sát của PropertyGuru tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2024, 88% người tham gia sẵn sàng trả thêm cho nhà xanh; trong đó 39% chấp nhận cao hơn tới 10% và 49% chấp nhận thêm 5%.
Theo khảo sát của Viet Research, 75% doanh nghiệp cho biết doanh thu từ các dịch vụ bền vững chiếm khoảng 25 – 50% tổng doanh thu. Điều này cho thấy việc áp dụng các chiến lược phát triển bền vững đã góp phần tăng trưởng doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy mối liên hệ tích cực giữa ESG và hiệu quả tài chính. Phân tích từ hơn 2.000 nghiên cứu (Oxford & Arabesque, 2020) chỉ ra 88% công ty áp dụng ESG có hiệu suất hoạt động tốt hơn và 80% ghi nhận lợi nhuận đầu tư cải thiện. Trong lĩnh vực bất động sản, CBRE (2022) ghi nhận các tòa nhà xanh có giá thuê cao hơn 6 – 10% và tỷ lệ lấp đầy cao hơn 4 – 8%; riêng tại Mỹ, văn phòng đạt chứng nhận LEED có giá thuê trung bình cao hơn 31%, kể cả sau khi kiểm soát các yếu tố như vị trí hay tuổi đời, mức chênh vẫn ở 4%.
Tác động đến hoạt động tuyển dụng và môi trường làm việc
ESG đang ngày càng trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân sự của các doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng quan tâm đến các giá trị bền vững, công bằng và trách nhiệm xã hội, các chính sách ESG đóng vai trò như một “thước đo” cho môi trường làm việc lý tưởng.
Việc tích hợp ESG vào quản trị nhân sự không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu tuyển dụng, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phúc lợi, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực một cách bền vững. Những doanh nghiệp bất động sản chú trọng ESG thường xây dựng được văn hóa tổ chức minh bạch, tích cực và lấy con người làm trung tâm – từ đó gia tăng mức độ gắn bó và lòng trung thành của nhân viên.
Tác động đến hình ảnh và thương hiệu
Trong kỷ nguyên số, danh tiếng và hình ảnh thương hiệu là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Edelman Trust Barometer (2023), 59% sẽ mua sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn và 67% trung thành, ủng hộ thương hiệu hơn nếu thương hiệu gây được niềm tin, và 55% người tiêu dùng sẽ cân nhắc mua sản phẩm có tác động đến môi trường.
Tại thị trường Việt Nam, theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2023. 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, 68% người mua nhà ở phân khúc trung và cao cấp cân nhắc yếu tố bền vững khi lựa chọn nơi ở.
Tác động đến việc tuân thủ quy định và giảm thiểu rủi ro
Các quy định về môi trường và xã hội ngày càng được thắt chặt trên toàn cầu. Việc không tuân thủ các quy định này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm các hình thức xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc gây thiệt hại về tài chính và uy tín của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp có chiến lược ESG rõ ràng và thực hiện tốt thường sẽ có khả năng quản lý và giảm thiểu rủi ro hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Những dữ liệu và trường hợp quốc tế này cho thấy rõ ràng việc triển khai ESG trong ngành Bất động sản không chỉ mang lại lợi ích về môi trường và xã hội mà còn tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Đây là bài học quý báu cho các công ty bất động sản Việt Nam khi xây dựng chiến lược phát triển bền vững.
2. Bức tranh ESG của bất động sản Việt Nam: Tiên phong và khoảng trống
2.1. Tổng quan về mức độ cam kết ESG trong ngành Bất động sản Việt Nam
Mặc dù khái niệm ESG đã trở nên phổ biến trên thế giới từ những năm 2010, nhưng tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành Bất động sản, ESG chỉ thực sự được chú ý trong 5 năm trở lại đây. Sự chuyển dịch này chủ yếu bắt nguồn từ áp lực của các nhà đầu tư quốc tế, xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững, cùng với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, khi phân tích theo quy mô doanh nghiệp, có thể thấy sự chênh lệch đáng kể về mức độ nhận thức và triển khai ESG. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc đã niêm yết trên sàn chứng khoán, thường chủ động tích hợp ESG vào chiến lược phát triển và báo cáo hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực, nhân sự chuyên trách và thiếu hướng dẫn cụ thể.
Về mức độ công bố thông tin ESG, theo phân tích của PwC Vietnam (2023), mặc dù 76% công ty niêm yết hàng đầu tại Việt Nam xác định được các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) quan trọng, chỉ 46% công bố kênh tương tác với các bên liên quan và chỉ 26% phản hồi những quan ngại của họ. Hơn nữa, chỉ 8% công ty công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chưa đến 7% báo cáo về lượng khí thải Nhà kính Phạm vi 1 và Phạm vi 2.
Những con số này cho thấy ESG tại Việt Nam, dù đang dần được quan tâm, vẫn còn là một hành trình dài phía trước, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao năng lực triển khai và minh bạch thông tin trong ngành Bất động sản.
2.2. Phân tích ESG trong các công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam
a) Khía cạnh Môi trường (E)
Trong ba yếu tố của ESG, khía cạnh môi trường được các công ty bất động sản Việt Nam chú trọng nhiều nhất, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, và chứng chỉ xanh cho công trình.
Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tính đến hết quý III năm 2024, Việt Nam đã có 514 công trình đạt chứng nhận công trình xanh, trong đó có 189 công trình được chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), 51 công trình đạt chứng chỉ Green Mark, và 232 công trình đạt chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies). Con số này vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 công trình vào năm 2025 và 160 công trình vào năm 2030. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, tỷ lệ công trình xanh tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình, chưa theo kịp những quốc gia dẫn đầu như Singapore, nơi 50% tòa nhà đã đạt tiêu chuẩn xanh.
Các chủ đầu tư lớn như Phú Mỹ Hưng là những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn xanh vào các dự án bất động sản. Dự án Cardinal Court là dự án căn hộ cao cấp nhận được chứng chỉ EDGE từ IFC, với mức giảm tiêu thụ năng lượng 28%, tiêu thụ nước 39% và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu 51%.
b) Khía cạnh Xã hội (S)
Yếu tố xã hội trong ESG bao gồm các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, quan hệ cộng đồng, an toàn và sức khỏe người lao động, và tác động đến cộng đồng địa phương. Đây là khía cạnh có sự phân hóa lớn trong ngành Bất động sản Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2024, ngành Xây dựng và Bất động sản có tỷ lệ tai nạn lao động cao thứ hai (sau ngành Sản xuất), với 7,187 vụ tai nạn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lớn đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện điều kiện làm việc và an toàn lao động.
Về trách nhiệm cộng đồng, các chủ đầu tư lớn đã triển khai nhiều chương trình có tác động xã hội. Masterise Group đã triển khai chương trình CSR dài hạn mang tên “Build A Better Future”, tập trung vào ba lĩnh vực chính: môi trường sống, giáo dục và hỗ trợ nhân đạo. Tính đến tháng 12 năm 2023, tập đoàn đã hoàn thành và đang thực hiện 36 dự án, hưởng lợi cho hơn 1,4 triệu người. Trong khi đó, trong năm 2024, Sonadezi đã đóng góp khoảng 16,5 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện và an sinh xã hội, bao gồm hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19, chi trả viện phí cho bệnh nhân nghèo, cứu trợ người dân vùng bão lũ, xây dựng nhà tình thương và trao học bổng tại nhiều địa phương trên cả nước.
c) Khía cạnh Quản trị (G)
Khía cạnh Quản trị trong ESG nhấn mạnh sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp bất động sản đã tiên phong trong việc áp dụng các tiêu chuẩn này.
Ví dụ, Becamex IDC đã áp dụng Bộ tiêu chuẩn lập Báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế GRI Sustainability Reporting Standards trong Báo cáo Phát triển bền vững năm 2023. Điều này thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư và đối tác quốc tế. Tương tự, Nam Long xây dựng báo cáo theo GRI Standards 2021 và tích hợp 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc làm định hướng dài hạn.
3. Rào cản trên hành trình xanh: Vượt qua thách thức ESG trong bất động sản Việt Nam
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản của Viet Research, hiện có 04 nhóm thách thức chính đang cản trở việc tích hợp ESG một cách toàn diện.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
3.1. Thách thức về nhận thức và hiểu biết
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc triển khai ESG tại Việt Nam là sự thiếu hiểu biết đầy đủ về khái niệm này. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn xem ESG như một bộ tiêu chí mang tính hình thức hoặc tuân thủ bắt buộc, thay vì nhìn nhận đó là chiến lược tạo giá trị bền vững.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp coi ESG là chi phí thay vì đầu tư dài hạn. Việc thiếu các mô hình kinh doanh minh chứng lợi ích tài chính từ ESG, cũng như thiếu sự hỗ trợ từ chính sách và cơ chế thị trường (như ưu đãi thuế, tài chính xanh), khiến các doanh nghiệp khó thay đổi tư duy và hành động.
3.2. Thách thức về pháp lý và chính sách
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển bền vững như Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, và cam kết Net Zero vào 2050, nhưng khung pháp lý cho ESG trong ngành Bất động sản vẫn còn nhiều bất cập.
Theo phân tích của Baker McKenzie Vietnam (2023), các thách thức pháp lý chính bao gồm:
Thiếu các quy định bắt buộc: Hiện nay, việc công bố thông tin ESG chủ yếu là tự nguyện đối với đa số doanh nghiệp bất động sản, trừ một số yêu cầu cơ bản về môi trường và an toàn lao động. Chỉ các công ty niêm yết mới bắt đầu phải tuân thủ một số yêu cầu về công bố thông tin phát triển bền vững theo Thông tư 96/2020/TT-BTC, nhưng các quy định này còn khá chung chung.
Thiếu hướng dẫn cụ thể: 72% doanh nghiệp bất động sản được khảo sát bởi PwC Vietnam (2023) cho rằng họ gặp khó khăn trong việc xác định các chỉ số ESG phù hợp do thiếu hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý.
Chưa có cơ chế kiểm chứng độc lập: Chỉ 10% báo cáo phát triển bền vững của các công ty bất động sản niêm yết được kiểm toán/đảm bảo bởi bên thứ ba độc lập, theo phân tích của PwC Vietnam (2023).
Chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh: Mặc dù có một số chính sách khuyến khích như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án xanh (Nghị định 218/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên, những ưu đãi này thường đi kèm với các yêu cầu nghiêm ngặt về chứng nhận, kiểm định môi trường và báo cáo năng lượng, khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy chưa đủ hấp dẫn so với chi phí đầu tư ban đầu.
Theo Bộ Xây dựng, việc thiếu các tiêu chuẩn quốc gia cụ thể về công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng là một rào cản lớn. Hiện nay, các công ty phải dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế như LEED hoặc EDGE, vốn được phát triển cho các thị trường phát triển và không luôn phù hợp với điều kiện khí hậu, vật liệu, và công nghệ sẵn có tại Việt Nam.
3.3. Thách thức về nguồn lực và tài chính
Việc triển khai ESG đòi hỏi đầu tư đáng kể về nhân lực, công nghệ, và tài chính – đây là thách thức lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Bất động sản.
Chi phí đầu tư ban đầu cao: Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, chi phí xây dựng công trình xanh cao hơn 5-15% so với công trình thông thường. Đối với hạ tầng xanh trong các khu đô thị như hệ thống xử lý nước thải, năng lượng tái tạo, chi phí có thể cao hơn 10-25%.
Thiếu nhân lực chuyên môn: Các chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) và các chứng chỉ quốc tế như LEED AP và EDGE Expert vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vì vậy, số lượng chuyên gia có đủ kiến thức và chứng chỉ quốc tế trong ngành Bất động sản vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại TP.HCM, chỉ khoảng 12% doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự chuyên môn về ESG, điều này tạo ra một rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi sang các dự án xanh và phát triển bền vững.
Hạn chế về công nghệ: Mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện về hạ tầng công nghệ thông tin, việc triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến vẫn chưa đồng đều, đặc biệt ở các khu vực ngoài đô thị lớn.
Khó khăn trong tiếp cận tài chính xanh: Theo một khảo sát, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu cơ chế tài chính rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi xanh.
Thiếu các đối tác trong chuỗi cung ứng: Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc xây dựng chuỗi giá trị xanh vì nhiều nhà thầu và nhà cung cấp chưa có chính sách bền vững rõ ràng. Điều này cản trở việc thực hiện các dự án xanh và giảm hiệu quả phát triển bền vững.
3.4. Thách thức từ đặc thù ngành và bối cảnh thị trường
Ngành Bất động sản Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức đặc thù ảnh hưởng đến việc triển khai ESG:
Chu kỳ phát triển dự án dài: Các dự án bất động sản thường có chu kỳ phát triển 3-7 năm, khiến việc thích ứng với các tiêu chuẩn ESG mới trở nên khó khăn hơn.
Áp lực về giá và tính khả thi: Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn từ 2020-2023 (đại dịch COVID-19, thắt chặt tín dụng, suy thoái kinh tế), nhiều chủ đầu tư phải cắt giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận, và các sáng kiến ESG thường là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên.
Thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ: Nhiều giải pháp bền vững đòi hỏi cơ sở hạ tầng hỗ trợ từ chính quyền địa phương, như hệ thống thu gom rác phân loại, lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo, hệ thống giao thông công cộng.
Phân mảnh thị trường: Ngành Bất động sản Việt Nam có tính phân mảnh cao với nhiều chủ đầu tư nhỏ lẻ, khiến việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG đồng bộ trở nên khó khăn.
Biến động chính sách: Trong 5 năm qua, ngành Bất động sản đã trải qua nhiều thay đổi lớn về chính sách như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, và Luật Bảo vệ Môi trường mới.
Các số liệu và phân tích trên đây cho thấy những thách thức đa chiều mà ngành Bất động sản Việt Nam phải đối mặt trong quá trình triển khai ESG. Những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp, đến người tiêu dùng và các tổ chức tài chính.
4. Đón đầu làn sóng xanh: Xu hướng ESG định hình tương lai bất động sản Việt Nam
Theo khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản do Viet Research thực hiện, đã ghi nhận 04 nhóm xu hướng chính phản ánh định hướng phát triển ESG của các công ty Bất động sản tại Việt Nam, trong đó xu hướng rõ rệt nhất là việc các doanh nghiệp Bất động sản chuyển hướng sang sử dụng tài chính xanh, công nghệ xanh và bền vững.

Nguồn: Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (https://esg10.vn/)
4.1. Xu hướng chính sách và quy định
Trong 5 năm tới, khung pháp lý về ESG trong ngành Bất động sản Việt Nam dự kiến sẽ được tăng cường đáng kể, phản ánh xu hướng toàn cầu về siết chặt các quy định liên quan đến phát triển bền vững. Theo ESG Book, số lượng các quy định liên quan đến ESG đã tăng 155% trong thập kỷ qua.
Tại Việt Nam, các nền tảng pháp lý về môi trường và phát triển bền vững đang từng bước hoàn thiện, nổi bật với các văn bản như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, cùng với các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Trong thời gian tới, nhiều yêu cầu pháp lý cụ thể dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi như: công bố thông tin ESG, tuân thủ tiêu chuẩn công trình xanh, và đánh giá tác động khí hậu trong các dự án phát triển bất động sản. Những thay đổi này không chỉ làm gia tăng trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp mà còn tạo ra áp lực tích cực, thúc đẩy các công ty trong ngành đẩy mạnh tích hợp ESG vào chiến lược phát triển, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận vốn trong dài hạn.
4.2. Xu hướng tài chính xanh và bền vững
Thị trường tài chính xanh và bền vững đang bùng nổ trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Theo Climate Bonds Initiative, thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đã đạt 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tăng 12% so với năm 2023. Tại Việt Nam, năm 2024 ghi nhận sự sôi động trở lại của thị trường trái phiếu xanh với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 6.875,1 tỷ đồng, tăng 171% so với năm trước đó.
Theo khảo sát của Viet Research, 50% doanh nghiệp bất động sản có sản phẩm tài chính xanh, thể hiện nỗ lực trong việc tối ưu hóa nguồn vốn cho các dự án bền vững. Đáng chú ý, 75% doanh nghiệp cho biết tỷ lệ vốn đầu tư dành cho các dự án xanh và bền vững chiếm khoảng 10% tổng danh mục đầu tư. Điều này cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong tư duy đầu tư, từ việc ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn sang phát triển bền vững lâu dài.
Xu hướng này đang tạo ra các cơ hội mới cho ngành Bất động sản Việt Nam:
Đa dạng hóa công cụ tài chính xanh: Ngoài trái phiếu xanh và khoản vay bền vững truyền thống, các công cụ mới đang xuất hiện tại Việt Nam như:
• Trái phiếu bền vững (sustainability bonds): kết hợp cả mục tiêu môi trường và xã hội
• Khoản vay chuyển đổi (transition loans): hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình bền vững
• REIT xanh (green REITs): quỹ đầu tư bất động sản tập trung vào các tài sản xanh
Áp lực từ nhà đầu tư và tổ chức tài chính: Các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng tích hợp tiêu chí ESG vào quyết định đầu tư và cho vay. ADB đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 75% các hoạt động đã cam kết của ADB sẽ hỗ trợ giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tương tự, IFC sẽ chỉ tài trợ cho các dự án bất động sản đạt tiêu chuẩn EDGE hoặc tương đương từ năm 2025. Điều này tạo áp lực buộc các chủ đầu tư Việt Nam phải cải thiện hiệu suất ESG để tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
Phát triển các tiêu chuẩn và khung tài chính xanh: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Khung Phân loại Xanh (Green Taxonomy) vào cuối năm 2022, cung cấp định nghĩa chuẩn về “dự án xanh” trong 7 lĩnh vực, bao gồm Bất động sản. Điều này tạo cơ sở cho việc phát triển các sản phẩm tài chính xanh chuyên biệt cho ngành.
4.3. Xu hướng công nghệ xanh và bền vững
Công nghệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc hỗ trợ triển khai ESG trong ngành Bất động sản. Theo báo cáo của JLL năm 2023, vốn đầu tư vào công nghệ bất động sản sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã đạt hơn 630 triệu USD trên toàn cầu.
Các xu hướng công nghệ chính trong ngành Bất động sản bền vững tại Việt Nam bao gồm:
Tòa nhà thông minh (smart buildings): Các công nghệ IoT, AI, và tự động hóa giúp tối ưu hóa vận hành và nâng cao trải nghiệm cư dân. Vinhomes sử dụng AI và IoT để giám sát, vận hành hệ thống chiếu sáng, điều hòa, thông gió, camera, giúp phát hiện và xử lý sự cố nhanh chóng. Ecopark triển khai ứng dụng EcoOne, hỗ trợ cư dân cập nhật tin tức, nhận thông báo, quản lý hộ gia đình, thanh toán hóa đơn, theo dõi xe buýt và kết nối cộng đồng thông minh.
Công nghệ vật liệu xanh: Các vật liệu tiên tiến như bê tông giảm carbon, vật liệu cách nhiệt cao cấp, và kính thông minh đang được ứng dụng nhiều hơn. Viglacera là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong phát triển hệ sinh thái vật liệu xây dựng xanh, với các sản phẩm như bê tông khí chưng áp AAC và panel ALC, kính tiết kiệm năng lượng Solar Control và Low-E, …
Công nghệ xây dựng hiện đại: Các phương pháp như BIM (Building Information Modeling), DfMA (Design for Manufacturing and Assembly), và xây dựng mô-đun đang được áp dụng để giảm chất thải xây dựng và tăng hiệu quả.
Phần mềm đo lường và báo cáo ESG: Các nền tảng như Schneider Electric’s Resource Advisor, EnergyStar Portfolio Manager được áp dụng ngày càng nhiều để thu thập, phân tích, và báo cáo dữ liệu ESG.
4.4. Xu hướng thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng
Nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng về bất động sản bền vững đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Tăng ưu tiên cho sức khỏe và phúc lợi: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường sống có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này thúc đẩy các chủ đầu tư tích hợp các yếu tố “wellness” như ánh sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên, không gian xanh và tiện ích chăm sóc sức khỏe vào thiết kế. Đây cũng là một trong những trụ cột của các tiêu chuẩn ESG hiện đại, nhất là trong phân khúc chung cư và đô thị mới.
Chú trọng hiệu quả vận hành dài hạn: Với chi phí điện, nước và bảo trì gia tăng, người mua nhà hiện nay không chỉ quan tâm đến giá bán ban đầu mà còn cân nhắc kỹ đến chi phí vận hành dài hạn. Xu hướng phát triển các công trình có khả năng tiết kiệm năng lượng, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện hiệu quả, quản lý nước thông minh và áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh.
Phân khúc nhà ở xanh giá hợp lý: Một xu hướng mới nổi là việc phát triển “nhà ở xanh giá hợp lý” (affordable green housing) nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam.
Tăng cường minh bạch và chống “greenwashing”: Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu minh bạch hơn về các tuyên bố “bền vững” từ các chủ đầu tư. Các chứng nhận quốc tế (như EDGE, LEED, Lotus) đang trở thành “bằng chứng” cần thiết để xây dựng niềm tin. Đồng thời, truyền thông xã hội và mạng lưới chuyên gia độc lập đang góp phần phát hiện và cảnh báo các hành vi “greenwashing” – tuyên bố xanh sai sự thật – buộc các doanh nghiệp phải đầu tư thực chất hơn vào ESG thay vì chỉ mang tính hình thức.
ESG không còn là xu hướng tùy chọn mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với ngành Bất động sản toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng cũng có những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai ESG.
Để thành công trong hành trình này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, và người tiêu dùng. Một khung pháp lý đồng bộ, các công cụ tài chính phù hợp, công nghệ tiên tiến, và nhận thức ngày càng cao của thị trường sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ESG trong ngành Bất động sản Việt Nam.
Các công ty bất động sản nên xem ESG không chỉ là trách nhiệm doanh nghiệp mà còn là cơ hội kinh doanh và nguồn lợi thế cạnh tranh bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong trong việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh sẽ có vị thế tốt hơn để nắm bắt các cơ hội từ làn sóng đầu tư xanh toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về bất động sản bền vững, và thích ứng với các quy định ngày càng nghiêm ngặt về môi trường và xã hội.
Việc chuyển đổi sang mô hình bất động sản bền vững không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là trách nhiệm chung của toàn ngành và cũng là cơ hội để ngành Bất động sản Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.
Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 – Ngành Bất động sản (ESG10 – 2025) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Vietnam Summit – 2025: Đổi mới sáng tạo – Kiến tạo tương lai bền vững tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 27 tháng 06 năm 2025 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình www.esg10.vn và trên các kênh truyền thông đại chúng. |